(VoThuat.vn) – Shorinji Kempo (Thiếu Lâm Tự Quyền Pháp) là một trong chín môn võ thuật lớn của Nhật Bản (theo nhận định của tổ chức Nippon Budokan – Nhật Bản Võ Đạo Quán) và là một chi phái của võ Thiếu Lâm, do So Doshin (tên thật là Nakano Michio) sáng lập vào năm 1947 trên cơ sở môn Kungfu của Trung Quốc (người Nhật gọi môn này là kempo).
Nakano Michio vốn được lục quân Nhật Bản gửi sang Trung Quốc học võ để về xây dựng lực lượng đặc công của Nhật. Tại Trung Quốc, Nakano được Trần Lương, một cao thủ Kungfu của Nghĩa Hòa Đoàn nhận làm đệ tử và đặt cho tên Tôn Đạo Thần (âm Hán-Nhật là Sō Dōshin). Sau khi bị điều tới vùng Đông Bắc Trung Quốc, Sō Dōshin tiếp tục học võ từ Văn Thái Tôn, sư phụ đời thứ hai mươi của Bắc Thiếu Lâm Nghĩa Hòa Môn Quyền. Sau khi Nhật Bản đầu hàng quân Đồng Minh năm 1945, tinh thần người Nhật suy sụp ghê gớm. Để góp phần động viên tinh thần cho người Nhật, So Doshin lập ra môn võ Shōrinji Kempo. Trọng tâm của Thiếu Lâm tự Quyền pháp (Shorinji Kempo) là triết lý theo Kim Cương Thiền (Kongo Zen). Thuật ngữ này hàm ý “trong suốt và cứng rắn như kim cương”, Vận dụng triết lý này, các môn đồ tập trung vào nhân sinh quan “Tự lực”, tránh sự ỷ lại vào kẻ khác và sự can thiệp của “Đấng Thiêng liêng”.Từ Nhật Bản, môn võ này đã được phổ biến ra thế giới. Tại SEA Games 24 tại Korat Thái Lan, Shorinji Kempo đã được đưa vào làm một môn biểu diễn.
“Gassho” – Phương pháp chào kính. |
Doshin So tên sơ sinh là Michiomi Nakano. Cha của Nakano mất sớm khi ông còn trẻ nên ông được gửi sang Mãn Châu sống với ông nội. Sau cái chết kế tiếp của ông nội, Nakano trở về Nhật. Năm 1928, Nakano được sang Mãn Châu công tác, lần này ông theo học “Võ Tàu” với một nhà sư Trung Hoa.
Trong công tác, ông ngao du khắp Trung Quốc và cuối cùng đến Bắc Kinh, nơi ông gặp Wen Lou Chi, một Đại sư thuộc Thiếu Lâm Bắc phái, đã từng học võ công tại Tung Sơn Thiếu Lâm Thiền Viện.
Nakano theo sư phụ rèn luyện võ công và được chỉ cho xem một bức bích họa khi ông đi thăm Thiếu Lâm Tự. Tấm bích họa yếu quyết này chính là nguồn cảm hứng giúp ông tạo thành nền tảng cho môn võ Shorinji Kempo và Kongo Zen (Kim Cương Thiền) sau này.
Việc luyện võ của Nakano tại Trung Quốc bị gián đoạn khi người Nga tràn ngập Mãn Châu và ông phải trốn khỏi xứ này trở về Nhật Bản. Tại Nhật, ông học thêm Hiệp Khí Nhu Thuật (Aiki Jiujitsu) và thành tài trước khi sáng tạo ra phái võ riêng mà ông đạt tên là “Nippon Densei to Shorinji Kempo” để phân biệt với các trường phái Kempo khác đã có trước đây. “Kempo” là thuật ngữ dùng diễn đạt chung của tiếng Nhật để chỉ bất cứ hệ thống chiến đấu nào có liên quan với Trung Hoa.
Trọng tâm của Thiếu Lâm tự Quyền pháp (Shorinji Kempo) là triết lý theo Kim Cương Thiền (Kongo Zen). Thuật ngữ này hàm ý “trong suốt và cứng rắn như kim cương”, Vận dụng triết lý này, các môn đồ tập trung vào nhân sinh quan “Tự lực”, tránh sự ỷ lại vào kẻ khác và sự can thiệp của “Đấng Thiêng liêng”. Võ sư cao đẳng của Shorinji Kempo là những tu sĩ, họ choàng áo thụng sẫm màu bên ngoài bộ võ phục màu trắng có thắt đai tròn và dày. Trong suốt thời gian mỗi buổi học, có khoảng khắc trầm lặng – Tọa thiền – cả lớp ngồi xếp bằng tròn ngay hàng thẳng lối. Một võ sinh di chuyển giữa hàng môn sinh ngồi và đặt một cây gậy dựa vào lưng họ. Người môn sinh phải ngồi thẳng ngay ngắn và điều chỉnh dáng bộ sao cho cây gậy đứng thẳng tắp: Khi buổi tọa thiền kết thúc, cây gậy dộng mạnh xuống sàn, phát ra tiếng kêu đanh quánh và bất ngờ trong căn phòng tịch mịch.
Kỹ thuật:
Tọa thiền nhập định diễn ra giữa giờ huấn luyện. Trước hết là bài tập, kế đó là thực hành kỹ thuật cơ bản gọi là “Kihon” giống như bên Không Thủ Đạo. Đòn thôi sơn rút nhanh về sau khi đấm ra với phần công lực hông (vận hông), quả đấm không xoáy khi chấm mục tiêu. Thủ pháp và cước pháp được dạy cùng lúc với kỹ thuật tránh né gồm động tác né đầu và tránh đòn. Phòng ngụ và phản công cũng dạy cùng một lúc, không dạy tách rời từng phương pháp.
Giống như thủ pháp, cước pháp xuất chiêu cực nhanh gây chấn động lớn. Các ngọn cước thông thường đều được sử dụng, gồm tiền cước, ảo cước, hoành cước (đá ngang, cạnh). Các chiêu thức này đều được nhắm vào những yếu huyệt theo nhân thể học của địch thủ. Phần đối luyện kỹ thuật cơ bản, các đòn phối hợp nâng cao sự biến hóa linh hoạt hoàn tất phần yếu quyết kỹ thuật này.
Đòn phối hợp cầm nã và tấn công. |
Phần thứ hai của yếu quyết kỹ thuật được gọi là “JUHO” – Nhu công – (Phần thứ nhất như trình bày trên, thuộc về “GOHO” – Cương công). Phần Nhu công này có hàng trăm đòn cầm nã và quăng quật (vật), đa số đòn thế giống kỹ thuật Hiệp Khí Đạo và Nhu Thuật (Juijitsu) bao gồm phương pháp tránh né, các đòn khóa cổ tay, cánh tay và thường mở đầu trước bằng những đòn tấn công vào yếu huyệt của đối thủ. Ở giáo trình cao hơn, còn được dạy cách sử dụng “Atemi Waza” (Tuyệt kỹ – gây mất tri thức, tê liệt hoặc tử vong cho địch thủ), những môn này chỉ được dạy truyền khẩu chứ không viết thành tài liệu giáo khoa khả dụng. Bằng một đòn nhẹ nhàng, chính xác và đúng điểm, chuyên gia Atemi Waza có khả năng làm tê liệt, thậm chí hạ đo ván một kẻ tấn công mạnh bạo nhất.
Kỹ thuật căn bản Juho và Goho thường được các môn đồ cao đẳng truyền thụ lại cho các môn sinh cấp dưới. Đây là một phương pháp huấn luyện tốt cho cả hai phía, vì người võ sinh được quan tâm chăm sóc từng chút một, còn người môn đồ sư huynh thủ đắc được sự thông suốt hơn về kỹ thuật trong khi truyền dạy và sửa chữa sai sót cho môn sinh. Do hiệu quả của sự huấn luyện đồng môn, môn đồ sư huynh Shorinji Kempo sớm phát hiện được giá trị tố chất của các môn sinh sư đệ.
Môn đấu luyện rất được tôn trọng, bao gồm sự cân bằng hài hòa giữa Goho và Juho, các kỹ thuật này được diễn tập, lặp đi lặp lại nhiều lần để các đấu hủ hiểu rõ diễn tiến của chiêu thức, ý niệm đấu luyện quy ước, nhằm thao diễn chiêu thức hoàn chỉnh trong các tình huống cơ động mau lẹ. Môn đấu luyện có khảo hạch, các môn sinh tiến bộ, được khuyến khích bổ sung sở trường của riêng mình. Trong đấu luyện, mỗi đấu thủ thay phiên nhau lần lượt ở vị thế người tấn công và người phòng thủ.
Một quan niệm có nền tảng tương tự được áp dụng trong môn kỹ thuật đi quyền, thi triển bài quyền. Mỗi bài quyền có thể được độc diễn hoặc đồng diễn. Có 8 bài quyền ở hệ cấp “Kyu”. Mỗi bài quyền có khoảng 10 chiêu thức, 5 chiêu đầu là đòn tấn công, 5 chiêu sau là những thế phòng thủ.
Trong khi huấn luyện, người ta tổ chức thảo luận về số một số vấn đề kỹ thuật và triết học. Về phương diện “Kim Cương Thiền”, chỉ được dạy sơ ở cấp dưới với tính cách như bài học thuộc lòng lặp đi lặp lại, và sẽ dạy chính thức khi môn sinh đạt trình độ cao hơn, lúc ấy sự hiểu biết đã được nhận thức rõ.
Đòn nhanh nhắm vào yếu thuật |
Về phương diện chuyên môn, bất cứ kỹ thuật đỉnh cao nào thuộc Shorinji Kempo đều cần được phân tích. Đề tài phổ cập là lý thuyết tấn công. Môn sinh Shorinji Kempo phải lựa chọn mục tiêu đặc thù, nếu không thà đừng xuất chiêu. Để đòn tấn công có hiệu quả, việc canh cự ly, khoảng cách là cốt yếu, do đó vị trí thân pháp là yếu tố chính. Góc độ tấn công cũng quan trọng, vì hướng di chuyển của võ sinh này tương quan với võ sinh khác có thể sẽ che khuất mục tiêu đã lựa. Sự áp dụng này được thực hiện cả trong kỹ thuật tránh né và phản công.
Những môn sinh giỏi thường lắng nghe hơi thở đối phương, khi nghe đối thủ vừa hít vào là tấn công ngay. Những môn sinh ở cấp cao hơn được tập song đấu, nhưng chỉ cho phép va chạm nhẹ và tuyệt đối không được đánh vào vùng thân và đầu. Trong song đấu chỉ được chọn hoặc Juho hoặc Goho, không bao giờ được chọn cả hai kỹ thuật một lúc. Các cuộc thi đấu cũng có, nhưng rất ít, và chỉ phục vụ cho lợi ích võ thuật thuần túy, không có giải thưởng và quà tặng, vì trái với tinh thần Shorinji Kempo.
Các võ sư giỏi thường biết ứng dụng kiến thức về các điểm sinh học – huyệt đạo – bằng nhiều cách rất hữu ích. Xoa ấn nhẹ có kiểm soát lên những vùng có huyệt đạo này sẽ có hiệu quả chữa bệnh, làm lành vết thương. Người ta gọi phương pháp này là “Seiho” – án ma phục hồi pháp – phương pháp này không những đặc trưng riêng của Shorinji Kempo mà còn được áp dụng dưới nhiều tên gọi khác nhau ở các môn phái khác như Karatedo và Nhu Thuật. Dĩ nhiên, đây cũng là một phần chính yếu trong bí quyết võ công của nhiều hệ phái võ thuật Trung Hoa.
Một trường hợp có thật như ta từng thấy có ghi trong võ thư: Một võ sinh bị đột quỵ trong khi tập luyện. Lập tức một võ sư Shorinji Kempo ở gần đó được mời đến, nhìn người võ sinh bị nạn ông nhận ra ngay triệu chứng tim ngưng đập và với chỉ một phát đánh tay vào lưng nạn nhân, ông đã làm nhịp tim nạn nhân đập trở lại.
Có năm hệ cấp – Kyu – trong môn võ Shorinji Kempo. Bắt đầu là đai trắng, tiếp đến là vàng, lục, thanh và nâu. Có khoảng cách 6 tháng giữa đai nâu và đai đen và một thời gian tối thiểu 1 năm để ôn tập kỹ thuật. Trong khoảng thời gian này, môn sinh phải tuyên thệ 3 lời thề: 1. Seiku (Cam kết) 2. Seigan (Giáo điều) 3. Shinji (Tín điều).
Khi được thụ phong đai đen, môn đồ Shorinji Kempo sẽ được mặc áo choàng sậm và đeo đai hình ống.
Nếu phân tích Shorinji Kempo từ hình thức bên ngoài, người ta rất khó mà nhận diện được ảnh hưởng Trung Hoa. Đòn thực hành phong cách rất “Nhật”, cước pháp đặc biệt mau lẹ, kỹ thuật Juho (Nhu công) giống Hiệp Khí Nhu Thuật. Kỷ luật và nghi thức là điển hình của các Đạo trường (Dojos) thuộc các võ phái Nhật Bản khác. Ngay cả lối chào kính, gọi là “Gassho” cũng hoàn toàn theo cách riêng của Nhật Bản: Hai tay giơ cao trước mặt, chắp lại rồi hạ xuống tầm ngực. Điều kỳ lạ nữa là một phái võ được giả thuyết xây dựng trên nền tảng võ học Thiếu Lâm mà chẳng thấy có một môn binh khí Trung Hoa nào trong giáo trình huấn luyện.
Trên cơ sở đó, người bàng quang buộc phải nghĩ rằng nếu bảo phái võ này là một môn võ thuật Trung Hoa là quá xa vời. Nhiều nhóm khác cũng công nhiên chia xẻ quan niệm này và tất cả đã là một động lực khiến cho So Doshin sửa đổi tên môn phái của ông thành “Nippon Shorinji Kempo” – Nhật Bản Thiếu Lâm công phu hay Nhật Bản Thiếu Lâm tự quyền pháp. Người sáng lập môn phái đã quá cố và người đứng đầu phái võ Shorinji Kempo hiện chính là con gái của Doshin So, bà được sự trợ lực của các sư huynh cao đẳng tại võ đường chính ở Chikoku, một hòn đảo ở ngoài khơi bờ biển Nhật Bản.
Dịch từ tác phẩm “The Official Martial Arts Handboo”