(VoThuat.vn) – Dân gian Việt Nam đến nay vẫn lưu truyền câu chuyện ông Ất, ông Giáp đánh cọp và môn võ thuật theo người từ thủa đi mở cõi, lập nên kỳ tích. Nhiều người từng được nghe kể, nhưng ít ai biết người khai sáng ra phái võ huyền thoại này là ai? số phận võ phái này hiện thời ra sao?
Võ lâm mở đất
Vào nửa cuối thế kỷ 17, những người Việt từ miền Thuận Quảng đã làm một cuộc Nam tiến vào khai phá xứ Đồng Nai, lịch sử ghi nhận đây là cuộc di dân lớn nhất so với trước đó. Theo lịch sử Bình Dương 300 năm, chính những di dân này lập ra làng Tân Khánh, nay là Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, Bình Dương.
Khi ấy, nơi đây là vùng đất mới, hoang sơ và tất nhiên nhiều thú dữ. Trong hành trang Nam tiến, ngoài công cụ lao động thô sơ họ còn mang theo miếng võ của tổ tiên lưu truyền trong những ngày đầu dựng nước. Vừa để phòng thân, vừa rèn thể lực đó là miếng võ “miệt rừng” – hay còn gọi võ lâm. Nhưng mãi đến hai thế kỷ sau miếng võ của những người đi khai hoang mới được nhiều người biết đến.
Đó là vào đầu thế kỷ 19, Vua Gia Long lên ngôi, chính sách tìm diệt cựu thần nhà Tây Sơn để trả thù thì mảnh đất Tân Khánh đón tiếp một cô gái xinh đẹp họ Võ. Vừa đặt chân đến vùng đất này, cô mở một quán nước ven đường, trên quầy treo thanh kiếm. Nhiều khách tò mò hỏi, cô không úp mở, nói quý khách nào vào uống nước không trả tiền thì vui lòng chào thanh kiếm trước khi rời quán. Mặc dù xã hội lúc ấy nhiễu nhương, khách đa tình cũng chẳng dám lả lơi. Bởi đã có vài bậc anh hùng “thử chào thanh kiếm” nhưng cũng không thể bước qua.
Về sau người ta mới biết cô gái xinh đẹp ấy chính là bà Võ Thị Trà, một hậu duệ của bộ tướng nhà Tây Sơn vào đây lánh nạn. Ban ngày là cô hàng nước, ban đêm là một nữ tướng với những đường kiếm “rồng bay phụng múa”. Không lâu sau, trai tráng trong làng đến xin “thọ giáo” cô vài thế võ để phòng thân.
Và cũng kể từ đây Tân Khánh được biết đến như là vùng đất võ của phương Nam. Để rồi, tên đất gắn với tên người và khai sinh ra phái võ cổ truyền Tân Khánh – Bà Trà đã trở thành huyền thoại bất tử với thời gian.
Cũng trong khoảng thời gian này, lịch sử vùng đất Đông Nam Bộ ghi nhận nữ tướng Bà Trà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chóng lại bọn tham quan địa phương từ căn cứ Truông Mây, trong suốt 10 năm, từ 1850 – 1859.
Thần công đả hổ
Theo tiến sĩ, võ sư Hồ Tường – chưởng môn đời thứ năm của phái võ này, hiện đang dạy võ tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP Hồ Chí Minh, Bà Trà có rất nhiều đệ tử, trong số đó có hai đệ tử chân truyền đã trở thành huyền thoại của môn phái. Đó là hai anh em ông Võ Văn Ất (hai Ất) và Võ Văn Giáp (Ba Giáp). Cả hai ông có hơn 10 lần đối đầu với cọp. Hai người có sở trường sử dụng trường côn, dân làng có thói quen gọi là “roi”.
Một chiến tích vang dội của hai vị võ sư trên là lần đánh chết 3 con hổ trong một chiều ở địa danh Hố Ngỡi, nằm bên cạnh làng Tân Khánh, nay là Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên. Chính xác là trong chưa đầy 2 giờ quần chiến, 3 con hổ đã chết dưới tay của hai anh em võ sư. Võ phải Tân Khánh Bà Trà cũng từ đó mà nổi tiếng, trở thành môn võ đả hổ vang danh thiên hạ”.
Võ sư Hồ Tường còn chia sẻ tiếp: “Sau khi tiêu diệt 3 con cọp dữ, danh tiếng võ nghệ của hai ông vang danh khắp vùng. Xứ Bàu Lòng (Chơn Thành, Bình Phước) khi đó bị hổ dữ quấy phá, dân làng không yên tâm làm ăn. Hay chuyện hai anh em đánh hổ, cai tổng cử người đi mời hai ông Ất, Giáp về trị cọp.
Hai anh em Ất, Giáp xuất hiện tại xứ Bàu Long nhưng phải tới ngày thứ 4 họ mới gặp hổ. Trong lúc mọi người còn đang khiếp vía thì thấy ông Giáp cắp roi nhảy ra sân thủ thế. Ông Ất tay chống nạnh, đứng nhìn nơi ngạch cửa. Ở ngoài sân, cọp thấy người liền gầm lên rồi phóng tới chụp đùa. Ông Giáp né nhanh, liền đó vung roi đâm trúng vào hông cọp khá mạnh.
Cọp gầm lên rồi quay lại chụp liền. Ông Giáp lại vung roi, lúc đập, lúc đâm. Cọp nhảy tới, nhảy lui gầm thét. Người chứng kiến quên phần sợ hãi. Cuộc giao tranh độ tàn điếu thuốc, bất ngờ cọp hộc lên một tiếng rồi vọt ra ngoài vòng chiến, nằm ngửa chổng bốn vó lên trời chết thảm”, võ sư Hồ Tưởng kể lại chi tiết.
Chuyện về “hai ông đánh hổ” được người dân thuộc lòng và ca tụng thành câu nói: “Cọp Bàu Lòng – Võ Tòng Tân Khánh”.
Điều ấn tượng nhất của môn võ Tân Khánh Bà Trà vẫn là khả năng thực chiến chống lại loài hổ dữ. Võ sư Hồ Tường cho biết: “Võ đánh hổ có 10 thế, mỗi thế có 10 biến thế, cụ thể như sau: 1 – hoành đả hỏa xa; 2 – phù phóng; 3 – roi hoành; 4 – phục hổ tang tành; 5 – xà địa giữ mình cho xinh; 6 – roi đăm lèo; 7 – hồi mã đừng theo mà lầm; 8 – phục hổ đạt trùng; 9 – bát tự; 10 – đâm đôi”. Theo võ sư Hồ Tường nếu sở hữu những kỹ năng trên của võ Tân Khánh Bà Trà thì nhiều người sẽ đả được hổ.
Những bí kíp võ thuật luôn được truyền lại cho đời sau, còn những võ sinh có thể lĩnh hội được hay không lại phụ thuộc vào chính họ. Còn việc mạo hiểm đả hổ thời nay, có lẽ chẳng ai đủ gan đánh cược tính mạng bản thân trước nanh vuốt của thú dữ.
Hoài Phương (tổng hợp)