Lúc ngẫu hứng, võ sư Nguyễn Văn Thắng giơ cánh tay lên vận khí, bất chợt ngón tay chỏ phình to, đỏ ửng. Ông đặt ngón tay xuống nền nhà, để cho tôi thoải mái dùng gạch đập lên những tiếng chát chúa…
Võ sĩ KickBoxing nổi tiếng bị bắt vì hành hung người khác
Sốc! Chủ tịch liên đoàn Kungfu Châu Âu bị đánh tập thể
Tuyệt kỹ có một không hai
Theo lời kể của một vài nhân vật trong làng võ về một người có nội công siêu phàm, tôi tìm đến nhà võ sư Nguyễn Văn Thắng – Chưởng môn phái Thăng Long võ đạo trong một buổi sáng trời trong lành đến kỳ lạ.
Vừa leo tới tầng thượng, chúng tôi bắt gặp trước mặt mình là một người đàn ông tuổi trung niên với vóc dáng mảnh khảnh, thư sinh đang cặm cụi chăm sóc chim cảnh và hàng trăm chậu phong lan.
Tôi đã rất ngạc nhiên bởi con người nhỏ bé trước mắt mình lại chính là võ sư Nguyễn Văn Thắng, người được mệnh danh “Đông Nam Á đệ nhất nội công”.
Sau một hồi nhâm nhi tách trà, rít mấy điếu thuốc và lan man đủ thứ chuyện trên đời từ võ học tới phong thủy, võ sư Nguyễn Văn Thắng đã khiến tôi thực sự “choáng” với một tuyệt kỹ mà bấy lâu nay chỉ được biết tới nhờ phim ảnh – Nhất dương chỉ.
Đặt nhẹ chén trà xuống bàn, võ sư bỗng đứng lên, đưa cánh tay giơ qua giơ lại trong vài giây rồi cho tôi xem ngón tay trỏ của ông. Thật bất ngờ, ngón tay ấy như đang phình to, đỏ ửng lên như một quả nhót chín.
Võ sư đặt ngón tay xuống nền gạch, bảo tôi dùng hết sức đấm, chặt, giẫm… đến toát mồ hôi nhưng ngón tay ấy vẫn cứ cứng trơ như một khúc sắt.
Chẳng có chút cảm giác gì, ông bảo tôi cầm 1 viên gạch, loại đặc để nện xuống. Lời đề nghị khiến tôi cũng cảm thấy “gai gai” trong người.
Nhưng rồi vì tò mò, tôi cũng cố để làm theo lời của ông. Nhưng lần này vẫn đâu lại vào đấy. Dù đã dùng hết sức nện đến chán chê mê mỏi nhưng ngón trỏ của ông vẫn cứ trơ trơ, chẳng hề xước một vết nhỏ. Ông vẫn ngồi uống, hút thuốc và … cười.
Võ sư Nguyễn Văn Thắng kể, có lần ở một chương trình biểu diễn công phu, các đoàn thi nhau biểu diễn các tiết mục như dùng giáo đẩy xe tải, nằm lên thủy tinh rồi đặt đá lên người để đập vỡ…
Với ông, đây là những thứ vốn là nằm lòng, nhưng vì không muốn bị “đụng hàng” nên ông quyết định biểu diễn tuyệt kỹ Nhất dương chỉ để… thay đổi không khí.
Ông đặt ngón tay trỏ lên một tảng đá, sau đó dùng một tảng đá khác nặng đúng 1 tạ đặt lên phía trên. Kế đến, ông để cho người dùng búa tạ đập vỡ tan tảng đá ở phía trên nhưng ngón tay của ông vẫn chẳng hề hấn gì.
Ngay lập tức, màn Nhất dương chỉ này đã khiến những người mục sở thị phải kinh ngạc. Người ta đã không thể hiểu vì sao ngón tay của một con người mảnh khảnh, nhỏ bé lại có thể chịu nổi một áp lực lớn tới như vậy.
Lại có một lần, ông cùng với vài chục người toàn là những võ sĩ lão làng rủ nhau tới một quán ăn để liên hoan sau chương trình biểu diễn võ thuật.
Tới nơi được một lát, thấy có một tấm kính chịu lực lọại rất dày kích thước cỡ bằng cả cái bàn, các bằng hữu mới nói: “Thấy Thắng có Nhất dương chỉ vô địch thiên hạ, vậy có thể dùng ngón tay bổ một nhát vỡ tấm kính này không?”
Lúc đầu, ông từ chối bởi sợ làm hỏng tấm kính đắt tiền lại phải đền nhưng vì anh em giục quá nên ông đành phải xuất chiêu.
Ông bổ đúng một nhát, cả một mảng kính dày lập tức vỡ tan. Bổ thêm một nhát nữa ở đầu cạnh bên, cả tấm kính vỡ vụn.
Thấy thế, mấy chục anh em trong giới võ chỉ còn biết “mắt tròn mắt dẹt”. Cả nhóm định chung tiền để đền tấm kính. Tuy nhiên, sau đó chủ quán đã từ chối vì ngưỡng mộ nội công thâm hậu của vị cao nhân.
Võ sư Nguyễn Văn Thắng kể, rất nhiều lần nữa màn Nhất dương chỉ của ông khiến người khác chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán.
Có lần ông dùng “nhị chỉ” (ngón trỏ và ngón giữa) chém tan một chiếc ấm tích loại rất to và dày. Lần khác, rất nhiều võ sư người Nga, Pháp, Bỉ… đã về Việt Nam gặp ông chỉ để mục sở thị Nhất dương chỉ.
Rốt cục, tất cả đã phải khâm phục khi ông để cho cả nhóm thoải mái đi giày đinh rồi giẫm đạp lên ngón tay của mình mà gương mặt chẳng hề biến sắc.
Khổ luyện hơn… phim chưởng
Mặc dù võ sư Nguyễn Văn Thắng thừa nhận, Nhất dương chỉ ở ngoài đời thực chất không thể ảo diệu đến nỗi có thể kết liễu đối thủ từ xa giống như trong phim kiếm hiệp Kim Dung, tuy nhiên ông tiết lộ để thành thục tuyệt kỹ này đã phải khổ luyện trong suốt mấy chục năm ròng.
Muốn luyện Nhất dương chỉ, đầu tiên nhất thiết phải luyện Thiết chưởng công (thiết sa chưởng) để làm cơ sở, đến khi có thể đấm hoặc xỉa nhẹ cũng làm vỡ hàng chục viên ngói.
Khi bắt đầu luyện Nhất dương chỉ, có thể tập theo 2 cách kết hợp giữa cương công và nhu công, vừa làm tăng sức chịu đựng của ngón tay vừa làm không bị tổn thương.
Ban đầu, ông thả một khối lượng sỏi cuội vào một xô nước rồi vo hệt như vo gạo. Sau một thời gian, độ khó tăng dần khi chuyển từ sỏi cuội thành đá, rồi đá ong…
Quá trình này đòi hỏi phải rất kiên trì và mất nhiều thời gian. Theo võ sư, muốn luyện cần phải tiến từng bước một, chậm nhưng chắc chứ tuyệt đối không được đốt cháy giai đoạn thì mới không bị tổn thương.
Sau khi luyện thành lòng bàn tay mới chuyển sang mũi bàn tay, bằng cách xỉa vào rất nhiều loại mục tiêu khác nhau.
Ban đầu ông xỉa vào một chiếc bao cứng đựng hạt lạc bên trong, rồi thay lạc bằng hạt đỗ để tăng độ khó, rồi bằng cát, rồi vừa xỉa cát vừa hơ lửa cho nóng với nhiệt độ tăng dần.
Tiếp theo, ông xỉa ngón tay vào mạt sắt, vừa xỉa vừa vỗ vào bọt biển, hình nộm bằng rơm, cao su bó vào cột, rồi trực tiếp vào cột, vào sắt…
Quá trình này phải kết hợp với bài tập nhào và chém tay vào đất thó, rồi lại xỉa và chém vào mặt nước để tập nhu công…
Sau đó mới kết hợp với dẫn khí để tạo áp lực, tốn phong bằng cách để các vật từ nhẹ tới nặng rồi đánh rụng dần, từ bìa cát-tông, các loại xốp, đến những quả chuông, quả trứng…
Chưa kể quá trình tập vảy tay tạo lực và nhiều bài tập khác để dồn được toàn bộ lực vào đầu ngón tay.
Theo võ sư Thắng, cũng có một số người tập Nhất dương chỉ nhưng đã phải bỏ cuộc vì không đủ kiên trì khổ luyện. Bản thân ông cũng phải mất mấy chục năm mới đạt được trình độ như ngày nay.
Có một điều khiến tôi cũng rất bất ngờ là bởi mặc dù tập Thiết sa chưởng và Nhất dương chỉ trong rất nhiều năm nhưng bàn tay của võ sư Nguyễn Văn Thắng vẫn không hề chai sạn, sần sụi giống như tưởng tượng.
Bàn tay của ông vẫn rất mềm mại, đến nỗi nếu bất kỳ ai nhìn vào đều khó có thể nghĩ đây là bàn tay của một người luyện võ.
Dị nhân 10 năm không ngủ và hàm răng “thần thánh”
Có một điều khá đặc biệt là trong suốt 10 năm qua, vị chưởng môn Thăng Long võ đạo vẫn chưa từng ngủ mà chỉ ngồi thiền.
Võ sư tiết lộ, bất kể mùa xuân, hạ, thu, đông, dù thời tiết có nóng hay lạnh đến mức nào thì hàng đêm ông đều ngồi thiền từ 0h đến khoảng 3h sáng. Sau đó ông chuyển sang tập khí đến sáng mới nghỉ.
Theo võ sư, đó gọi là “trường tọa bất ngọa”, nghĩa là thần vượng thì không ham ngủ, khí vượng không ham ăn, tinh vượng không ham sắc, cho nên chỉ cần thiền được 15 phút còn bằng cả bao nhiêu giấc ngủ.
Không những ngủ, ngay tới việc ăn của võ sư cũng rất khác người bởi đã 32 năm qua, ông rất hiếm khi ăn các loại ngũ cốc, đặc biệt là cơm. Hàng ngày ông chủ yếu ăn rau, trái cây và một số loại thủy sản.
Nói về công phu, ngoài Nhất dương chỉ danh trấn giang hồ, võ sư Chưởng môn Thăng Long võ đạo còn nổi tiếng với tuyệt kỹ Khẩu lợi công được coi là thiên hạ đệ nhất.
Cách đây gần 3 thập kỷ (năm 1989) tại Liên hoan Võ thuật cổ truyền toàn quốc diễn ra tại Hà Nội, màn Khẩu lợi công của ông đã khiến làng võ phải thán phục.
Khi đó, võ sư chỉ nặng hơn 50kg nhưng đã đứng lên 2 chiếc cọc sắt rồi dùng hàm răng nhấc cả chiếc bàn thờ với đỉnh đồng, nến, hạc, kiếm… nặng tới 85kg.
Để thực hiện được màn Khẩu lợi công này, võ sư đã phải trải qua những bài tập vô cùng kiên trì với hàm răng của mình.
Từ những động tác ngáp, nghiến, nhai… khiến cho bây giờ hàm răng của ông đã sắp hở cả tủy và đã đen lại dù chẳng bao giờ bị đau hay lung lay một cái nào.
Võ sư cũng tiết lộ, trước đây để tập Khẩu lợi công, ông từng cắn vỡ hàng nghìn chiếc cốc thủy tinh dễ như… cắn bánh đa.
Quá trình tập luyện công phu cũng khiến lưỡi của ông trở nên chai sạn và có một màu hơi đen tựa như sắt thay vì màu hồng như người thường.
Ngoài những độc chiêu Nhất dương chỉ, Thiết sa chưởng, Khẩu lợi công thì mấy màn công phá với ông chỉ… dễ như ăn kẹo.
Có lần ông đã khiến người xem phải thót tim khi nằm trên nền gạch, rồi để một khói bê tông nặng gần 3 tạ được cần trục kéo và đặt lên cơ thể mảnh mai của mình.
Sau đó, mấy vị võ sư đã dùng búa tạ để ra sức đập, nhưng khối bê tông vì quá cứng nên vẫn không chịu vỡ. Bên dưới, người đàn ông gầy gò vẫn nằm im bất động.
Sau những màn đập búa chan chán đến rã rời, khối bê tông được cần trục nhấc ra. Nhưng tất cả những người chứng kiến đã phải thán phục bởi vị võ sư vẫn thản nhiên như không.
Thậm chí, lúc đó có hai chuyên gia người Liên Xô chứng kiến tận mắt còn tỏ ra rất đỗi kinh ngạc và không hiểu cơ thể của vị võ sư được kết cấu bằng gì…
Theo Trí Thức Trẻ