Từng một thuở tung hoành ngang dọc trong giới giang hồ nhưng cuối cùng “Bảy du côn” lại nương nhờ cửa Phật ở chùa Long Huê tại Gò Vấp.
Theo nhà nghiên cứu võ thuật Hồ Tường thì cách đây hàng thập kỷ, ở Sài Gòn – Gia Định có một võ sư rất nổi tiếng trong giới võ, vốn xuất phát là một gã giang hồ thường xuyên đánh lộn trên đường phố. Mọi người gọi ông là “Bảy du côn” và thuật ngữ “du côn” cũng được xuất phát từ chính nhân vật này.
Nhà nghiên cứu võ thuật Hồ Tường nói với chuyên trang Trí Thức Trẻ, báo điện tử Tổ Quốc: “Người ta kể rằng vào những năm 1920 – 1930 ở Sài Gòn – Gia Định nổi tiếng với những tay anh chị giang hồ chuyên sử dụng một khúc cây dài chừng nửa mét để đánh nhau với cả những tên cầm các hung khí bén nhọn như: dao, mã tấu… Từ đó xuất hiện cách gọi “du côn” để chỉ những tay giang hồ kiểu này.
Xuất phát của việc cầm khúc cây ngắn (trong võ thuật gọi là đoản côn) bắt đầu từ một tay giang hồ giỏi võ hoạt động ở địa bàn chợ Gò Vấp của tỉnh Gia Định (nay thuộc TP.HCM). Mọi người thường gọi tay giang hồ này là “Bảy du côn”, chứ không biết tên thật của ông ta là gì.
Nhiều người nói rằng Bảy du côn không phải là người ở Sài Gòn – Gia Định, mà hình như là dân phiêu bạt giang hồ có gốc từ miệt Quảng Bình, Hà Tĩnh gì đó, bởi tiếng nói rất nặng, khó nghe, không giống như tiếng nói của người miệt Nam.
Bảy du côn từ miền ngoài đã đến làm phu khuân vác ở khu vực chợ Gò Vấp. Sau có ba bốn năm, Bảy du côn đã nhanh chóng trở thành tay “anh chị bự” sau nhiều trận ấu đả với những tay giang hồ, anh chị khác”.
(Ảnh minh họa)
Theo võ sư Hồ Tường thì những vụ đánh lộn của Bảy du côn có khi diễn ra bằng phương cách “bạc co tay đôi” (tức đánh nhau từng cặp một), Bảy du côn đều giành thắng lợi nhờ ở khả năng võ nghệ và sức mạnh vốn có của hắn.
Tuy nhiên, cũng có những trận đánh nhau bằng hung khí, mặc cho đối thủ sử dụng dao hay búa thì Bảy du côn trước sau chỉ sử dụng khúc cây ngắn (đoản côn) để đánh bại toàn bộ đối thủ. Đám giang hồ ở khu vực chợ Gò Vấp đã tôn Bảy du côn làm “Anh Bảy”, là đại ca kể từ đó.
Từ ngày “lên chức”, Bảy du côn thường không phải bỏ sức lực ra để khuân vác kiếm tiền lẻ như trước nữa. Hằng ngày, Bảy du côn thường rảo khắp chợ mỗi ngày hai lượt sáng sớm và quá trưa để dòm ngó đám đàn em “nai lưng, bỏ sức” khuân vác hàng hóa ra vào chợ, để mang tiền về nộp cho “Anh Bảy”.
Về phần mình, Bảy du côn cũng phân phát tiền bạc cho đàn em khá công bằng, ai làm kiếm được nhiều tiền mang về dĩ nhiên sẽ được chia nhiều tiền hơn. Số tiền giữ lại, anh Bảy nói rằng để bảo vệ cho đàn em, nhất là những khi lỡ có chuyện bị chính quyền bắt thì chính Bảy du côn sẽ lo cho. Ngoài ra, hầu như tháng nào, Bảy du côn cũng có những bữa tiệc ăn nhậu đãi tất cả đám đán em, gọi là “tẩm bổ”.
Chợ Gò Vấp xưa – nơi từng chứng kiến nhiều cuộc thư hùng của Bảy du côn (ảnh: Internet).
Võ sư, nhà nghiên cứu võ thuật Hồ Tường cho biết: “Những người lớn tuổi ở khu vực chợ Gò Vấp luôn nhắc tới một trận đại chiến giữa đám Bảy du côn với một đám giang hồ ở khu vực Xóm Gà, gần cầu Hang (nay thuộc phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM).
Nguyên nhân của trận đại chiến chỉ là sự tranh giành mối khuân vác hàng hóa từ khu vực Xóm Gà đến chợ Gò Vấp. Trận đại chiến diễn ra vào khoảng cuối thập niên 1930, với khoảng hơn một trăm người cầm hung khí (gậy, gộc, dao, búa…) xông vào đâm chém, đánh đập lẫn nhau. Người của hai bên bị trọng thương hầu hết, trong đó có mấy người về sau bị tàn phế.
Người ta đồn rằng cả hai phe đều đã bị chính quyền bắt giữ rồi giảng hòa để rồi phe nào về lại vùng đất của mình để … hành nghề như cũ, không xâm phạm lẫn nhau.
Nhưng có một điều lạ là Bảy du côn sau đó không tiếp tục “hành nghề” nữa. Hắn đã giao lại toàn bộ công việc cho đám đàn em. Sau đó, hắn đã vào tu ở chùa Long Huê ở gần chợ Gò Vấp.
Trong trận đại chiến với phe Xóm Gà, Bảy du côn đã dùng côn đánh gãy tay của tên đầu đảng Xóm Gà, khiến cho tên này trở thành phế nhân, cho nên Bảy du côn mới …ăn năn mà bỏ đi tu.
Người cố cựu ở khu vực chợ Gò Vấp còn cho biết thêm rằng Bảy du côn đã chuyên tâm học đạo, tu hành và đã được vị sư trụ trì chùa Long Huê cho đi làm sư trụ trì một chùa khác mới khai sơn ở miệt Thủ dầu Một (tức Bình Dương ngày nay), để lại sau lưng một thuở tung hoành ngang dọc…”.
Sau khi rời khỏi giang hồ, Bảy du côn đã đi tu tại chùa Long Huê ở Gò Vấp.
(Bài viết được ghi theo lời kể của võ sư – tiến sĩ Hồ Tường – Chưởng môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà, Chủ nhiệm võ đường Nhà văn hóa Thanh niên, số 4 đường Phạm Ngọc Thạch, Quận 1, TP.HCM).
Theo Pháp luật và Bạn đọc