Trong gần một tháng qua, truyền thông thế giới đã sôi lên sau sự kiện võ sĩ MMA Từ Hiểu Đông chỉ mất 10 giây để đánh bại cao thủ Thái cực quyền Nguỵ Lôi. Nhiều cuộc tranh luận về võ thuật truyền thống và khái niệm thực chiến trong võ thuật hiện đại đã liên tục nổ ra. Vothuat.vn xin trích đăng một bài viết của Thạc sĩ, nhà báo Nguyễn Hồng Lam được đăng trên báo Công an nhân dân.
Võ sư thách đấu Nam Huỳnh Đạo: Tôi sẽ bái sư nếu võ công đó có thật
Jack Ma dạy triết lý Thái Cực Quyền cho các doanh nhân
Sau lưng câu chuyện võ thuật là cả một giai đoạn xuống dốc thật sự của nền võ thuật cổ điển, trong đó Việt Nam từng được xem như một mảnh đất màu mỡ với những tinh hoa phát triển rực rỡ, từng được xem như di sản văn hóa. Do hạn chế dung lượng, VNCA chỉ dừng lại ở khía cạnh võ thuật – một cấu thành di sản văn hóa của vấn đề.
Cấu thành văn hóa đang dịch chuyển
Một trong những nét đẹp văn hóa của võ thuật cổ điển đó chính là trật tự chặt chẽ, kín đáo, hơi bí mật, tạo nên vẻ trầm mặc bí hiểm. Trong tất cả các võ phái cổ điển phương Đông, quan hệ giữa thầy và trò nhất nhất là quan hệ thân phận – tử phận. Người thầy có uy quyền, có trách nhiệm và được kính trọng như cha, học trò phải vâng lời, hiếu kính như con. Làm trái nó, môn sinh bị xem là “khi sư diệt tổ”, phải chịu sự “thanh lý môn hộ” khắt khe, đôi khi là tàn nhẫn.
Trong võ thuật hiện đại, thầy chỉ đơn giản là người huấn luyện viên. Học trò được bảo đảm quyền và vị trí, nếu… đóng học phí đầy đủ. Năng lực (võ thuật) chính là quyền lực (cao nhất). Ném vào hệ thống trật tự của võ cổ điển một cái nhìn khinh mạn, võ hiện đại đương nhiên bị các phái cổ điển đáp trả bằng ánh mắt rẻ rúng.
Võ cổ điển chia mức độ truyền thụ thành 4 cấp độ: chân truyền – tâm truyền – mật truyền – bí truyền. Khuynh hướng hiện đại cho rằng chuỗi cấp độ ấy ẩn chứa nguy cơ mai một những tuyệt học. Thầy luôn hoài nghi trò, người đi trước đố kỵ với thành công của người đi sau, nhiều khả năng sẽ giấu giếm lại một phần kiến thức, chiêu miếng cho bản thân, không truyền hết. Những sáng tạo của người đi sau còn bị các môn quy khắt khe và hẹp hòi bó buộc, khó có cơ hội được công nhận và phát triển. Võ học vì thế dễ bị mai một.
Đối lại, võ hiện đại luôn bị khuynh hướng cổ điển hoài nghi, khi xem mục đích tối thượng của học võ chỉ là nhằm mục đích thực chiến, bỏ qua mọi thâm sâu và vẻ lấp lánh của võ học, võ đạo. Võ thuật khi đó chỉ còn là món hàng, được chia bán theo cấp độ giáo trình. Võ sinh cũng chỉ là người tập võ chứ không phải học võ. Thành tựu võ học chỉ thuộc về cá nhân.
Một thời gian rất dài, người học võ cổ điển luôn bị môn quy nghiêm cấm việc thi thố, thách đấu cá nhân vì danh lợi, nhằm tránh gây ra những thị phi hay “ân oán giang hồ”. Học võ là “nghiệp” đeo đẳng suốt đời, là phong cách, phẩm chất, tinh thần của một lớp người.
Ngược lại, người mê võ hiện đại chỉ nhắm đến việc rút ngắn thời gian đến thành tựu, chỉ mong sớm có thể đem khả năng võ thuật ra sử dụng để lập danh và đem lại lợi ích thiết thực. Thực chứng dễ nhất chính là chiến thắng trong các cuộc đấu. Lưu danh, tỏa sáng nhanh nhất chính là hình ảnh trên màn bạc…
Võ cổ điển từng là nghiệp. Ngoài võ thuật, người học võ thường theo đuổi thêm kiến thức nhiều môn khác liên quan, gồm nho, y, lý, số, nhâm, cầm, độn, toán, án – na – mã (bấm huyệt, xoa bóp)… Bậc cao thủ chính là người uyên bác gần như tất cả các mặt này. Họ lập danh và lập thân sau những khoa thi chính thống, làm quan hoặc thành danh sư truyền bá tuyệt học.
Năng lực ở mức thấp hơn, họ gia nhập đội ngũ bảo tiêu, vệ sĩ, hoặc kém danh giá hơn, hành nghề mãi võ đi kèm với nhiều chiêu trò tạp. Với người học võ hiện đại, nghề võ cũng chỉ là phần phụ, nghề không phải nghiệp. Võ thuật chỉ nhắm đến mục đích duy nhất: chiến đấu, chỉ còn lại mỗi quyền và cước. Họ không ngần ngại thách đấu và chê bai võ cổ truyền chỉ giỏi “múa cho đẹp”. Văn hóa, truyền thống… chỉ là xảo ngữ biện minh.
Sau một tháng, trên toàn thế giới đã có tới hơn 1.000 cao thủ võ cổ điển gửi chiến thư thách thức Từ Hiểu Đông. Trận chiến trên sàn đấu thường diễn ra chóng vánh, nhưng trận chiến truyền thông giữa các phái tân – cựu thì luôn dai dẳng, triền miên và bất phân thắng bại. Đó làmột biểu hiện tha hóa nghiêm trọng của nền võ thuật – võ học.Về bản chất, đó là khi cấu trúc văn hóa của toàn bộ nền võ học đang bị các yếu tố thực dụng, thương mại hóa phá vỡ, dẫn võ thuật đến nguy cơ thoái trào.
Suy cho cùng, đó chỉ là một sự dịch chuyển quan niệm văn hóa trong võ thuật – nghệ thuật quyền cước. Những lời thách đấu, những trận tỉ thí, là một phần của đời sống võ thuật nhưng thật sự nó không giúp gì cho sự phát triển của một môn nghệ thuật vận động của loài người.
Võ sư Nam Anh Kiệt (Tổ đường Vịnh Xuân Chính thống phái): Phải chăng võ hiện đại “thực chiến” tốt hơn võ thuật truyền thống?
Trận đấu 10 giây giữa võ sĩ tự do Từ Hiểu Đông (MMA) và võ sư Thái cực quyền Ngụy Lôi ngày 27/4 đến nay vẫn là một trong những chủ đề được bàn luận sôi nổi nhất trong giới võ thuật và thậm chí là trên các mạng xã hội. Điều người ta bàn đến ở đây không chỉ là thời gian trận đấu quá mau lẹ, mà còn là những tuyên bố đại ngôn của Từ võ sĩ, cũng như khoản tiền thưởng lớn (243.000 USD) mà anh Từ sẽ thưởng cho người có thể đánh bại mình..v.v..
Dưới góc độ của truyền nhân môn phái võ cổ truyền, có ảnh hưởng sâu đậm từ văn hóa võ thuật Đông phương, chúng tôi nhận thấy rằng chiến thắng của anh Từ Hiểu Đông là không thể bàn cãi, rất xứng đáng và đầy thuyết phục với lối đánh mạnh mẽ, đầy quyết liệt trước một đối thủ có vẻ yếu thế hơn nhiều.
Chúng tôi cũng không đồng ý với một vài ý kiến cho rằng Thái cực quyền chỉ là truyền bá tinh hoa môn phái, không thể đem so sánh với một môn võ chỉ tập để thực chiến như UFC, MMA và quan điểm võ sĩ chuyên tập để đánh nhau thì sẽ chiến thắng người tập võ cổ truyền lâu năm…
Những quan điểm này dù phần nào bênh vực cho võ cổ truyền nhưng cũng vô hình chung thừa nhận võ MMA, UFC… chiến đấu tốt hơn võ thuật truyền thống.
Chúng tôi xin khẳng định rằng đã gọi là một môn “võ” thì đương nhiên phải có tính chiến đấu. Lịch sử hàng ngàn năm đã chứng minh tính thực chiến không thể chối cãi của các môn phái võ truyền thống như Thiếu Lâm, Võ Đang, Bạch Mi, Vịnh Xuân, Kalaripayattu, Bình Định… mà chúng tôi không cần bàn luận dông dài thêm ở đây.
Khẩu quyết “lực bất đả quyền, quyền bất đả công”, câu đầu tiên trong các cuốn quyền phổ đâu chỉ là nói suông. Các đệ tử trước khi bắt đầu học võ đều được dạy rằng người chỉ có sức lực trong chiến đấu sẽ bất lợi hơn người có tập võ thuật, chính là kỹ thuật luyện tập tốt sẽ khống chế sức mạnh. Điều khác biệt chỉ là những bí kíp, công phu luyện tập phần nhiều đã thất truyền.
Phần còn lại thì các môn sinh không được các bậc thầy truyền dạy do chưa đủ tư cách, rồi lại còn với cuộc sống xã hội ngày càng hiện đại, đầy đủ thì nỗi lo “cơm áo gạo tiền”, “thê tróc tử phọc”… cũng rất khó khiến cho người đệ tử truyền thống đạt được đến bờ, đến bến.
Ngay cả giới doanh nghiệp Trung Quốc cũng rất giận dữ với lời phát biểu coi thường võ thuật truyền thống của Từ, có tỉ phú đã treo giải thưởng hơn triệu USD cho bất kỳ ai đánh bại Từ Hiểu Đông.
Điều khiến cho giới võ thuật truyền thống cảm thấy bất bình, bị xúc phạm nặng nề chính là tuyên bố ngông cuồng của Từ Hiểu Đông. Từ tuyên bố võ cổ truyền Trung Quốc đã lỗi thời, chỉ có tác dụng rèn luyện sức khỏe, Từ cho rằng, trong thực chiến, MMA mới thật sự có tác dụng, đồng thời thách đấu tất cả giới võ thuật cổ truyền Trung Quốc.
Nhiều võ sư Trung Quốc và trên khắp thế giới không chấp nhận lời phát biểu ngạo mạn này, sẵn lòng nhận lời thách đấu như Yi Long (Thiếu Lâm), Vương Chiếm Quân (Thái Cực quyền), Cung Lê (Tán thủ), Pierre Francois Flores (Vịnh Xuân Nam Anh)…
Vịnh Xuân Chính thống phái là một môn phái võ thuật truyền thống được Đại sư Nam Anh sáng lập gần 50 năm, đường lối rèn luyện nhân cách và tài năng của môn đồ hoàn toàn tuân thủ theo truyền thống võ thuật và văn hóa phương Đông. Chuẩn võ sư P.F.Flores hiện đang là chu sa đai đệ tứ đẳng, là môn đồ đã có thời gian theo học trong môn phái 20 năm, đã nhiều lần chiến đấu (trên thực tế và trên võ đài) và chiến thắng trong những trận đấu mang tính quan trọng.
Nhìn lại thực lực 2 bên, chúng tôi đều rất tin tưởng sư huynh P.F.Flores đã gửi “lời mời” đến Từ Hiểu Đông cũng như rốt ráo tìm nhiều biện pháp để xúc tiến một trận đấu với anh Từ, mục đích không gì hơn là bảo vệ và chứng minh giá trị của võ thuật truyền thống, ngay cả trong một xã hội thực dụng, hiện đại và phát triển.
Theo Nguyễn Hồng Lam – Công An Nhân Dân