Gần đây, những video như “võ sư võ cổ truyền bị võ sĩ MMA đánh bại” hay “lật tẩy võ thuật giả mạo” trở nên phổ biến hơn! Những võ sư này thường sử dụng võ thuật hoặc triết lí võ thuật từ Trung Quốc – quốc gia có nền võ học cực kì đồ sộ và nổi tiếng tới mức đề cập đến “võ thuật” thì võ thuật Trung Hoa (Kung Fu) luôn được nhắc tới đầu tiên. Nhưng tại sao Kung Fu lại trở nên kém hiệu quả khi đem ra đối kháng?

Sự tương đồng Savate kiểu cũ (trái) và Jeet Kune do (phải).

Trước hết, mình phải khẳng định rằng sự kém hiệu quả trong đối kháng của Kung Fu không liên quan đến việc nó quá nguy hiểm để sử dụng trong MMA. Sẽ là điều nực cười bởi không có cái gọi là “điểm huyệt chỉ bằng cái chạm nhẹ” hay “khí công tê liệt” – điều này hoàn toàn vô nghĩa và phi logic. Cứ cho là Kung Fu cho những tình huống “chiến đấu thực tế” đi! Nhưng bản thân nó lại không thể chống đỡ lại mấy đòn đấm cơ bản trong Boxing, vậy thực sự Kung Fu có tác dụng “thực chiến”? Hãy nhìn qua những môn võ lai thực chiến, phù hợp quân đội – tự vệ hiệu quả như Krav Maga, Sambo, CQC không hề áp dụng Kung Fu vào bài giảng, hệ thống của chúng.

Xét về mặt lịch sử, mọi môn võ sẽ chỉ phát huy tác dụng khi nó biết thay đổi, biến tấu và chuyển mình cho hợp thời đại. Những môn võ đã thể thao hóa theo lối hiện đại như Boxing, Karate, Muay Thai, Judo,… và kể cả Kung Fu đều đã từng rất giống nhau như chúng đều có sự tương đồng nhất định ở thế tấn/thủ; những đòn đánh hiểm; đánh tới tàn phế, tới chết; có sử dụng vũ khí… Bạn nghĩ Boxing trước kia chỉ có đòn đấm như Boxing hiện đại bây giờ? Hay Karate trước kia cũng chỉ tập theo “kata” rồi hét “kiai”, thi đấu như những “cái chạm thân thương”?

Để hiểu được tại sao Kung Fu hiện đại có tình trạng như vậy, cần phải tìm hiểu sự kiện Cách mạng Văn hóa tại Trung Hoa. Thời điểm những năm 1960 diễn ra Cách mạng Văn hóa, đã có rất nhiều cuộc thanh trừng ý thức hệ đối với văn hóa Trung Quốc của chính quyền Cộng sản dưới thời Mao Trạch Đông. Võ thuật Trung Hoa thực sự đã hoàn toàn bị thay đổi, bị cấm giống như cách mà các hội kín hoặc giáo phái bị cấm. Võ thuật có liên quan mật thiết với cả hai thứ đó nên chúng được coi là mối đe dọa đối với sự kiểm soát của chính phủ.

Về cơ bản nếu gia đình Gracie (gia tộc đã phát triển nên môn võ BJJ) là người Trung Quốc ở thời kì này thay vì người Brazil, họ sẽ bị bỏ tù hoặc bị đưa đến “trung tâm giáo dưỡng” để được cải tạo…

Vậy chẳng phải trước sự kiện đó, những “tinh túy” của Kung Fu vẫn còn? Hình thức đấu võ đài truyền thống Lei Tai của quốc gia này có từ đời Tống cho phép các võ sư so tài giữa các môn phái, không phân hạng cân hay đeo bảo hộ. Và kết quả thì như cách các võ sư “giao đấu” tại Đại hội võ thuật Trung Hoa năm 1954 dưới đây. Trận đấu giữa 2 môn võ Thái Cực quyền và Hạc quyền.

Ở một diễn biến khác, đã từng một loạt các cuộc giao đấu võ thuật giữa Trung Quốc và Thái Lan đã được tổ chức vào những năm 1920. Các bậc thầy Kung Fu nổi tiếng thời bấy giờ đều bị đánh bại bởi các võ sĩ Muay Thai. Tất cả đều bị KO chỉ trong vài phút đầu giao đấu! Nghiêm trọng hơn, năm 1924, một võ sinh tên Tian Ling tham gia thách đấu đã thiệt mạng bởi một cú cùi chỏ.

Sau sự kiện Cách mạng Văn hóa, nhiều võ sư đã phải chạy sang Hồng Kông và Đài Loan, còn võ thuật tại Đại Lục phải biến tấu thành lối Wushu – tập trung vào biểu diễn bài quyền. Những võ sư này cũng đã một lần nữa có cơ hội thử nghiệm với Muay Thai khi 2 lần trực tiếp tới Thái Lan thách đấu.

Vào ngày 21/12/1973, tại sân vận động Lumpinee huyền thoại ở Bangkok, 2 võ sư Huo Guang và Kuang Han Jie lần lượt bị loại bởi võ sĩ Muay Thai ngay vòng đầu tiên. Năm sau, một đội gồm 5 học viên từ Hồng Kông và Đài Loan đã quay trở lại Thái Lan để cố gắng “cân bằng tỷ số”. Các phương tiện truyền thông Thái Lan đã quảng bá sự kiện nổi tiếng này với tên gọi “Sự báo thù của Kung Fu”. Kết quả cũng đáng thất vọng không kém cho đội tuyển Trung Quốc, người đã phải chịu thêm một thất bại nhục nhã với 5 trong 5 trận thua – tất cả đều qua loại trực tiếp.

Ảnh chụp tờ báo sự kiện “Sự báo thù của Kung Fu”.

Có thể thấy, Muay Thai cũng như nhiều môn võ đã được thể thao hóa khác đều tỏ ra cực kì hữu dụng cho đối kháng! Chúng cũng học hỏi lẫn nhau để phát triển chẳng hạn như Muay Thai học thêm đòn đấm của Boxing, cốt lõi Kyokushin Karate tới từ Judo cũ và Muay Thai, phong cách Shotokan Karate có chịu ảnh hưởng từ Savate cũ,… Hoặc tạo ra hẳn hình thức võ lai khác, điển hình ở có thể kể ra như Hapkido, Jeet Kune Do và nổi bật nhất là MMA…

UFC – giải đấu là tiền thân, thúc đẩy sinh ra thể thức MMA khoảng thời gian đầu tổ chức với mục đích so tài giữa các môn võ khác nhau (thực ra là để quảng bá BJJ của nhà Gracie). Lồng bát giác lúc này với rất ít luật lệ lại cực kì bạo lực, là sân chơi hoàn hảo của các môn võ thuật khác nhau và Kung Fu cũng không phải ngoại lệ. Có điều, nếu không nói đến sự thống trị giải đấu này đều là những môn bắt vật và BJJ, thì thống trị môn đánh đứng đều là Kickboxing, Savate, Boxing, Muay Thai, Karate và Taekwondo.

Ngay cả với Vịnh Xuân là 1 trong số ít môn võ thoát khỏi tình trạng Cách mạng Văn hóa, lại được truyền dạy rộng rãi vượt ra khỏi lãnh thổ Trung Hoa. Tuy nhiên, dù cho nhờ sự nổi tiếng của huyền thoại Lý Tiểu Long thì Vịnh Xuân cũng chẳng thể hiệu quả cho đối kháng! Cơ bản Vịnh Xuân cũng không có sự thay đổi, không có sự pha trộn cải tiến, mục đích được coi là “tự vệ” cũng không hề hữu dụng như những gì ta được nghe…

Một điều nữa nằm ở cái tôi và sự kiêu ngạo không đáng có nằm ở quan điểm của nhiều võ sư Kung Fu nói riêng và võ cổ truyền nói chung! Nếu thua trong một trận giao tranh thì sẽ bị coi là một sự ô nhục đối với trường học và tổ tiên của họ, ngay cả khi cuộc chiến chỉ là một trận giao hữu sparring! Tưởng tượng xem, một cuộc đấu nhẹ mà nhiều võ sĩ hiện đại thường làm với niềm vui và không phải suy nghĩ nhiều trong bất kỳ phòng tập MMA, Boxing hay Muay Thai nào, bị coi là một cơn ác mộng có thể khiến bạn bị ô nhục trong suốt cuộc đời, bao gồm cả trường học và tổ tiên của bạn. Bạn sẽ không sparring! Mà không sparring thì không thể tiếp thu/loại bỏ/kết hợp các kĩ thuật mới lẫn cũ, phát triển cho môn võ của mình được!

Shuai Jiao

Dĩ nhiên trong hàng đống môn võ dởm xa rời tính đối kháng thì Trung Quốc vẫn có cho mình những môn võ thực chiến thực sự. Đó chính là Tán thủ – Sanda và Shuai Jiao! Trong đó Tán thủ vốn là sự kết hợp phong cách Boxing, Muay Thai/Kickboxing cùng với bắt vật, có lẽ nó vốn sinh ra để khắc chế lại Muay Thai khi mà Muay Thai thuần đánh đứng không có bắt vật (có nguồn còn cho rằng Tán thủ lấy hoàn toàn kĩ thuật từ Combat Sambo). Bản thân Từ Hiểu Đông và 1 trong những võ sĩ gốc Việt nổi tiếng từng thi đấu UFC – Cung Lê cũng là võ sĩ có gốc Tán thủ.

Shuai Jiao lại là một môn thuần bắt vật với võ phục, kĩ thuật vật thẳng đứng và vật ở thế thấp của Shuai Jiao cũng giống như Judo với Greco-Roman Wrestling thực hiện vậy.

Nhưng thật lạ! Tại sao những võ sư/võ sĩ vốn thuần Tán thủ đánh bại các võ sĩ hiện đại chỉ cần mặc võ phục Thái Cực, Thiếu Lâm hay bất cứ môn Kung Fu khác thì có người lại tin chúng lợi hại và thể hiện như cố vớt vát sự “hiệu quả” của Kung Fu truyền thống? Yi Long sử dụng Tán thủ là cốt lõi, vậy đâu có chút “Thiếu Lâm” nào ngoài quần và dây đai quấn bắp chân giống “Thiếu Lâm”?

Yi Long sử dụng Tán thủ là cốt lõi, vậy đâu có chút “Thiếu Lâm” nào ngoài quần và dây đai quấn bắp chân giống “Thiếu Lâm”?

Tuy không còn tác dụng đối kháng thì những môn võ Kung Fu truyền thống cũng đã phục vụ những mục đích khác nhau! Chẳng hạn Thái Cực giờ đây tập dưỡng sinh điều hòa cơ thể, những võ đạo triết lí của nó cũng rất phù hợp để dạy cái tâm, cái đức…

Theo Spiderum

Nguồn: saigonthethao.vn | Copy Link