Laurence Brahm – tác giả phim tài liệu “Searching for Kung Fu” – dành nhiều năm học kung fu và tìm hiểu nguồn gốc các môn võ Trung Quốc.
Theo SCMP, Laurence Brahm có niềm đam mê mãnh liệt với võ thuật Trung Quốc. Ông dành 4 giờ mỗi ngày để tập kung fu. Từ một luật sư người Mỹ, Brahm trở thành nhà làm phim có tiếng trong cộng đồng Wushu Bắc Kinh.
Brahm được đào tạo bởi các võ sư thuộc nhiều trường phái khác nhau, gồm cả Lưu Hồng Chí, 81 tuổi, trưởng Hiệp hội Wushu Bắc Kinh. “Tập võ là hình thức ‘thiền trong động’. Lưu Hồng Chí phát triển các kỹ năng sống lâu bền nhờ bộ môn này”, Brahm cho biết.
Brahm tự hào về tầm hiểu biết sâu rộng cũng như danh sách các môn võ ông đã học. Luật sư 60 tuổi chia sẻ: “Mọi võ sư Trung Quốc đều kính trọng Lưu Hồng Chí. Ông ấy đã dạy tôi kiểu bí truyền của kung fu Bắc Kinh có từ thời nhà Minh, những kiểu mô phỏng động tác 5 loài linh vật rồng, rắn, hổ, báo và hạc (Ngũ hình quyền)”.
Khí công, Vịnh Xuân quyền và Triệt quyền đạo, Brahm cũng thuần thục. Ông có đai đen karate và là đệ tử của kiện tướng karate Kenneth Funakoshi.
Đi tìm nguồn gốc võ thuật Trung Quốc
Laurence Brahm dành vài chục năm nghiên cứu sâu lịch sử kung fu vì không muốn dừng lại ở các động tác cơ bản. Gần đây, ông còn hoàn thành phim tài liệu Searching for Kung Fu do nhật báo tiếng Anh China Daily tài trợ kinh phí. Hành trình khám phá nguồn gốc kung fu trên khắp Trung Quốc được Brahm ghi lại trong phim này.
Từ nước Mỹ xa xôi, Brahm bắt đầu chuyến đi đến làng Chen và chùa Thiếu Lâm ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) – nơi bắt nguồn của Thái cực quyền đồng thời là cái nôi của kung fu. Tiếp theo, ông ghé huyện Tĩnh Hải ở Thiên Tân, quê hương của huyền thoại kung fu Hoắc Nguyên Giáp.
“Tại chùa Thiếu Lâm, tôi được chưởng môn thứ 31 của Thiếu Lâm tiếp nhận. Chúng tôi đã thảo luận về võ thuật và thiền cùng nhau. Lần đầu đến chùa vào năm 1981, tôi cảm giác như trở về nhà vậy”, Brahm kể.
Chùa Thiếu Lâm rất vắng vẻ tại thời điểm có mặt Brahm. Nhiều tòa trong chùa đã bị thiêu rụi vào năm 1928. Nơi đây chỉ còn chính điện, cổng chính và tượng Bồ Đề Đạt Ma. Dẫu vậy, Brahm vẫn cảm thấy rất mãn nguyện vì đã đặt chân tới nơi khởi nguồn tất cả môn phái võ thuật.
Theo CGM Canada, giới chuyên môn đánh giá Searching for Kung Fulà tác phẩm ngoạn mục, thu hút sự quan tâm của người đam mê võ thuật và khán giả thuộc mọi tầng lớp khác trong xã hội. Phần nhạc của phim cũng được khen tiết tấu nhanh, lạ, hợp thị hiếu giới trẻ.
Theo SCMP, Brahm tới Trung Quốc hồi năm 1981 và học tiếng Quan Thoại tại Đại học Nankai (Thiên Tân). Sau khi tốt nghiệp ngành Luật của Đại học Hawaii và lấy bằng thạc sĩ Luật tại Đại học Hong Kong, ông làm luật sư và cố vấn Chính phủ Trung Quốc về chính sách tiền tệ, cải cách doanh nghiệp nhà nước.
Đến năm 2002, ông chuyển sang làm phim. Searching for Shangri-La, phim tài liệu đầu tiên của Brahm, phát hành năm 2004 có nội dung hồi tưởng hành trình đi nhờ xe qua Tây Tạng, Thanh Hải và Vân Nam. Phim truyền tải thông điệp sống ý nghĩa của tác giả qua những chuyến đi.
Các phim khác của ông tập trung khám phá đường mòn ở Vân Nam, tìm hiểu văn hóa Himalaya và bản kinh cổ xưa được viết bằng tay có tên Shambhala.
Lý do theo đuổi kung fu
Trong bài phỏng vấn trên SCMP, Laurence Brahm nói ông nghiên cứu kung fu vì lợi ích nó mang lại cho sức khỏe. Việc ăn uống quá nhiều trong các buổi tiệc tối của công ty và ngủ không đủ giấc khiến ông kiệt sức, tâm trạng tệ đi. Do đó, Brahm tự tìm cách chữa bệnh dựa trên triết lý phương Đông.
“Đối với truyền thống châu Á, dù là giáo lý Ấn Độ giáo, Đạo giáo, Phật giáo hay Nho giáo, chúng đều hướng về âm và dương (các lực đối nghịch hoặc trái ngược có thể bổ sung, liên kết và phụ thuộc lẫn nhau). Mọi thứ đều hướng đến sự hài hòa, cân bằng và hợp nhất”, ông diễn giải.
Brahm áp dụng chế độ ăn lành mạnh, nhiều rau xanh, trái cây, các loại hạt và cá, thay vì thịt đỏ. Song, ông cho rằng tập kung fu mới là phương pháp chính giúp ông khỏi nhiều bệnh, gồm cả viêm khớp.
Từ năm 2010 đến 2013, vị đạo diễn bị viêm khớp nặng, đi lại khó khăn. Bác sĩ kết luận ông có nguy cơ bị tật vĩnh viễn nếu không điều trị đúng cách. Ít người biết rằng Brahm từng lên cơn đau khớp dữ dội trong quá trình quay phim trên cao. “Hiện tại, tôi đã hồi phục hoàn toàn nhờ tập võ”, ông vui vẻ nói.
Dựa trên hiểu biết của Brahm, nhiều thầy dạy võ cũng là chuyên gia y học, và họ rất ý thức về tình trạng cơ thể mình. Y học Trung Quốc và kung fu có điểm chung, đó là tầm quan trọng của việc giữ cơ thể khỏe mạnh và tinh thần minh mẫn để ngăn ngừa bệnh tật.
Hiệp hội Wushu Bắc Kinh đang làm việc với Chính phủ Trung Quốc để đưa Thái cực quyền vào bài tập mỗi buổi sáng cho nhân viên công quyền. Brahm phát biểu: “Nếu chúng ta có thể kêu gọi những người trong Quốc hội Mỹ tập Thái cực quyền mỗi sáng, thì họ đã có những quyết định tốt hơn”.
Sau nhiều năm ăn ngủ với kung fu, Brahm hiểu tư thế đứng và những bước chân quan trọng ra sao. Hơn nữa, học võ đòi hỏi sự bền bỉ, chịu đựng áp lực lớn về cả tinh thần và thể chất mới mong có được kết quả tốt.
Thời gian tới, người đàn ông Mỹ sẽ không dừng lại ở thể loại phim tài liệu. Ông đặt mục tiêu sản xuất các bộ phim truyền hình kung fu dưới góc nhìn của người ngoại quốc.
“Ngày nay, giữa những phim võ thuật nói về chiến đấu, tôi hy vọng tác phẩm của mình có thể khái quát hóa triết lý kung fu và tiếp cận được đa dạng đối tượng khán giả hơn là phim tài liệu”, ông chia sẻ.
Theo Zing.vn