Vothuat.vn – Võ thuật, thứ thể thao “xịn”, thậm chí dưới góc độ xã hội, võ thuật còn vượt trên cả khuôn khổ thể thao, nhưng đang vẫn mơ ngày nào đó… cũng là hot trend!
Để hiểu được vị trí của võ thuật trong làng báo thể thao, cần quay lại lịch sử dài hơn 80 năm của loại hình báo chí này. Tờ Gia Định báo xuất bản số đầu ở Sài Gòn vào ngày 15/4/1865 được xem là cái mốc cho báo chí Việt Nam, nhưng không nhiều người biết, một tờ báo chuyên về thể thao thì phải đến ngày 8/5/1930 mới có số đầu của tờ Nam Kỳ thể tháo của Trần Văn Chim, bút hiệu Vân Phi (chữ “thể tháo” phổ biến ở Nam Kỳ xưa – PV). Sau đó có thêmtờ Thể tháo Đông Dương cũng ở Sài Gòn, rồi ở Hà Nội có Bắc kỳ thể thao do Nghiêm Xuân Huyến làm Chủ nhiệm, miền Trung là Trung Kỳ thể thao…
Theo các nhà nghiên cứu, việc báo chí thể thao trong nước ra đời muộn là bởi phải tới những thập niên đầu của thế kỷ 20, các môn thể thao hiện đại như: Bóng đá, xe đạp, quần vợt, quyền Anh… mới theo người Pháp vào Việt Nam. Vào thời kỳ sơ khai này võ thuật cũng ít xuất hiện trên mặt các tờ báo kể trên khi gần nhất và chủ yếu là thông tin về Quyền Anh với những cuộc so găng của các võ sỹ trong nước tranh ngôi vô địch các miền, đặc biệt là các cuộc đấm giữa võ sĩ người Việt và nước ngoài mà ở đó, ngoài chuyện thắng – thua, còn là tinh thần dân tộc.
Tiếp mạch phát triển của báo thể thao. Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, tờ báo thể dục thể thao đầu tiên chính thức ra đời với tên “Việt Nam khỏe” thuộc Nhà Thể dục Trung Ương Việt Nam được xuất bản số 1 vào ngày 30/3/1946. Trên số báo này đã đăng lời “Hô hào đồng bào tập thể dục” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đây cũng được xem là tiền thân của báo chí thể thao Cách mạng.
Năm 1957, báo Thể dục thể thao của ngành Thể dục thể thao (sau này là tờ Thể thao Việt Nam) được xuất bản, rồi sau năm 1975 có thêm tờ Thể thao TP.HCM, sau này tới Thể thao & Văn hoá (TTXVN), Thể thao ngày nay (Hà Nội), Bóng đá rồi Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Lao Động, Tiền Phong… và biết bao báo, tạp chí khác đều có trang chuyên đề thể thao, chưa kể đến các kênh truyền hình, phát thanh…
Thập niên đầu những năm 80 đến cuối những năm 90 của thế kỷ trước được xem là thời cực thịnh của tờ báo (giấy) thể thao và đó cũng là thời mà thông tin về võ thuật cũng xuất hiện nhiều nhất, đa dạng nhất trên tất cả các trang báo. Bên cạnh các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, đến những người trong nghề võ, còn có cả những phóng viên chuyên viết về võ thuật với sự am hiểu tường tận.
Đó là cố võ sư Đỗ Hóa – nguyên phóng viên báo Thể thao Việt Nam, sau này là Thể thao ngày nay, người không chỉ tinh thông võ nghệ, thông thạo làng võ, dân võ, mà còn chính là người có công lớn gầy dựng, phát triển Pencak Silat – môn võ thuật trở thành thế mạnh hôm nay của thể thao Việt Nam. Là nhà báo Phạm Đình Phong – Nguyên Phó Giám đốc Sở TDTT Bình Định, phóng viên báo Thể thao Việt Nam, tác giả cuốn Lịch sử Võ học Việt Nam; Là nhà báo Lê Quốc Huy (báo Thể thao TP.HCM) – người nắm chắc nhất thông tin về các môn võ thể thao ở trong nước, quốc tế; Võ Danh Hải (báo Thể thao Việt Nam) – nhà báo, kiêm võ sư, cùng đảm trách nhiều cương vị quản lý quốc tế của Võ cổ truyền, Vovinam Việt Nam trên trường quốc tế…
Lứa sau phải kể đến những: Đặng Hùng (chuyên làm võ ở Đài Truyền hình Việt Nam) Nguyễn Mai Hoa, Nguyễn Vũ Quỳnh (Hà Nội mới), Nguyễn Lan Phương (báo Thanh niên), Hoài Ninh, Thanh Nhàn, Mỹ Hạnh (báo Thể thao Việt Nam), Hà Huy Tường (báo Thể thao TP.HCM), Đặng Việt Cường (Đài Truyền hình KTS VTC), Khương Xuân (Tuổi trẻ TPHCM), Nam Trung (Thể thao TPHCM)… Dù chuyên hay không chuyên, dù biết hay không biết võ, nhưng chính những phóng viên này với những tin, bài về võ thuật của mình đã góp phần chung tay vào sự phát triển của võ học Việt Nam.
Băt đầu vào thập niên 2000, với sự bùng nổ của internet, báo chí thể thao bước vào giai đoạn phát triển thứ 3 trong lịch sử mang đậm dấu ấn công nghệ. Từ “cơn mưa” những tờ Tin nhanh, đến sự lấn lướt của báo điện tử, trang tin tổng hợp cùng sự lên ngôi của mạng xã hội, thể thao càng trở thành lĩnh vực thu hút sự quan tâm của xã hội. Nhưng tiếc rằng, trong thời đại thông tin bùng nổ ấy, nhiều giá trị cốt lõi của thể thao, trong đó có võ thuật bị coi nhẹ, thậm chí lãng quên. Nói như vậy, không có nghĩa là thông tin võ thuật không còn giá trị mà chính võ thuật cũng cần phải thay đổi phù hợp với sự chuyển đổi số của báo chí, của như cầu thông tin trong xã hội số. Ngày võ thuật cũng là… hot trend! chắc chắn sẽ không xa!
Trend, trending hay hot trend đều là những cụm từ vô cùng quen thuộc đối với báo giới thời mạng xã hội lên ngôi. Dễ hiểu khi nắm bắt được xu hướng cũng có nghĩa là sẽ có views, có tiền nhờ thu hút được lượng lớn độc giả tương tác.
Theo Sài Gòn Thể Thao