Nguồn gốc nghệ danh của Lý Tiểu Long

Ít ai biết nghệ danh Lý Tiểu Long đã gắn liền với cuộc đời huyền thoại võ thuật từ những ngày thơ ấu.

Trong suốt sự nghiệp điện ảnh, ngôi sao hành động Lý Chấn Phiên nổi danh toàn châu Á với nghệ danh Lý Tiểu Long. Đôi khi, người hâm mộ còn rút ngắn cái tên lại một chữ “Long”. Cái tên thân mật này từng được đưa lên nhan đề cuốn sách Dragon: The Bruce Lee Story (1993) viết về tiểu sử huyền thoại võ thuật.

ScreenRant đưa tin cái tên “Tiểu Long” đã gắn liền với sự nghiệp của Lý Tiểu Long từ những ngày mới bén duyên điện ảnh. Đầu thập niên 1940, khi mới một tuổi, Lý Chấn Phiên đã sớm tham gia diễn xuất. Cha cậu, Lý Hải Tuyền – ngôi sao của sân khấu kinh kịch thời bấy giờ – đã sắp xếp để con trai góp mặt trong tác phẩm điện ảnh Kim môn nữ (1941) khi còn ẵm ngửa.

Tế lộ tường (1950) là tác phẩm đánh dấu lần đầu Lý Chấn Phiên được nhắc đến với tên “Lý Long”. Ảnh: Xingguang Film Company.

Càng lớn, cậu bé càng được giao những vai diễn quan trọng. Suốt thời thơ ấu và những năm niên thiếu, Lý Chấn Phiên là gương mặt quen thuộc của ngành công nghiệp giải trí Hong Kong. Những tác phẩm quan trọng có sự góp mặt của sao nhí trong giai đoạn này phải kể đến gồm Tế lộ tường (1950), Cô tinh huyết lệ (1955), Lôi vũ (1957) và Nhân hải cô hồng (1960).

Năm 1950, thời điểm Tế lộ tường ra mắt, Lý Chấn Phiên tròn 10 tuổi. Đây cũng là lần đầu cậu thủ vai chính trong một tác phẩm điện ảnh. Thành công của Tế lộ tường đã đưa tên tuổi Lý Chấn Phiên lên tầm cao mới.

Lúc này, người lớn quyết định cậu bé cần một nghệ danh bắt tai hơn để tiếp tục phát triển sự nghiệp. Trước đó, khi đóng phim, Lý Chấn Phiên thường được gọi là Tiểu Hải Tuyền – nghệ danh đặt theo tên người cha nổi tiếng.

Trong đoạn mở đầu Tế lộ tường, cái tên Tiểu Hải Tuyền của Lý Chấn Phiên đã được thay bằng Lý Long. Cái tên “Long” được lựa chọn vì cậu bé sinh vào đúng giờ thìn của năm Canh Thìn (1940). Không lâu sau, cái tên được cải thành Tiểu Lý Long vì vóc dáng nhỏ bé của Lý Chấn Phiên.

Lý Tiểu Long và Van Williams trong Thanh phong hiệp, tác phẩm đặt nền móng cho sự nghiệp của “ngôi sao võ thuật Lý Tiểu Long” sau này. Ảnh: ABC.

Theo cuốn Bruce Lee: A Life của tác giả Matthew Polly, chàng diễn viên nhí đã đón nhận nghệ danh mới và nài nỉ được dùng nó, không chỉ trên màn ảnh mà còn cả ngoài đời thực. Từ ấy, mọi người xung quanh bắt đầu gọi Lý Chấn Phiên là Lý “Tiểu Long”.

Đầu thập niên 1960, Lý Tiểu Long trở lại San Francisco, Mỹ. Giai đoạn này, tài tử đặt mục tiêu thành danh tại Hollywood, sánh ngang Steve McQueen. Nhưng khi mộng lớn bất thành, anh trở về Hong Kong và ký hợp đồng làm phim với hãng Golden Harvest.

Dù ánh hào quang từ những ngày tháng còn là sao nhí đã phai nhạt, khán giả quê nhà vẫn chưa quên người nghệ sĩ với nghệ danh Lý Tiểu Long. Tới năm 1966, Lý Tiểu Long góp mặt trong bộ phim Thanh phong hiệp do đài truyền hình ABC sản xuất với vai Kato.

Tác phẩm được khán giả Hong Kong đón nhận nồng nhiệt, đánh dấu sự ra đời của ngôi sao hành động võ thuật Lý Tiểu Long và phần còn lại của câu chuyện đã trở thành lịch sử.

Theo Zing.vn

Nguồn: saigonthethao.vn | Copy Link