Giống như nhiều tác phẩm khác của đạo diễn Hầu Hiếu Hiền, “Thích khách Nhiếp Ẩn Nương” tương đối khó xem khi không phải là một phim kiếm hiệp thuần túy.
Samurai “thời hiện đại” dùng Katana chém đôi viên đạn đang bay
Sự thật việc Lý Tiểu Long đánh bóng bàn bằng côn nhị khúc.
Có nhiều lý do khiến khán giả háo hức chờ đợi Thích khách Nhiếp Ẩn Nương: sự xuất hiện của Thư Kỳ, tên tuổi của Hầu Hiếu Hiền và giải thưởng Đạo diễn xuất sắc mà ông giành được với bộ phim tại Liên hoan phim Cannes hồi tháng 5. Song, phim là một thử thách không dễ vượt qua đối với ngay cả những khán giả yêu thích dòng phim nghệ thuật.
Thích khách Nhiếp Ẩn Nương đưa khán giả trở lại Trung Hoa thế kỷ thứ 9, thời điểm nhà Đường bắt đầu suy yếu. Ẩn Nương (Thư Kỳ), con gái một vị quan trong triều, bị một vị đạo sĩ bắt đi khi mới 10 tuổi. Cô được đào tạo để trở thành một sát thủ chuyên nghiệp với sứ mệnh thanh trừng đám tham quan thối nát. Trong một lần thực hiện nhiệm vụ, Ẩn Nương vì động lòng trắc ẩn trước đứa con nhỏ của mục tiêu mà tha mạng cho cả hai.
Để trừng phạt và xóa bỏ mọi cảm xúc thương xót bên trong người nữ sát thủ, vị đạo sĩ ra lệnh cho nàng phải trở về quê nhà và ám sát vị tiết độ sứ Điền Quý An (Trương Chấn) của vùng Ngụy Bác. Đây vốn là người bạn thuở nhỏ từng được hứa hôn với Ẩn Nương.
Thích khách Nhiếp Ẩn Nương kể một câu chuyện đơn giản nhưng theo lối phức tạp, nhiều tầng lớp. Các nhân vật rất kiệm lời nhưng đôi khi lại nói quá nhiều (đặc biệt ở những trường đoạn hồi tưởng quá khứ).
Phim không có cao trào, không có kịch tính hoặc thắt nút, mở nút. Mạch phim đứt đoạn, sử dụng chuyển cảnh đột ngột. Những cảnh cận, đặc tả một chi tiết khá dài, còn cảnh chiến đấu lại quá ngắn ngủi, chân thực.
Với Thích khách Nhiếp Ẩn Nương, có thể nói Hầu Hiếu Hiền đã đi ngược lại gần như mọi tiêu chí của dòng phim võ thuật. Những ai trông đợi những cảnh chiến đấu mãn nhãn, rực rỡ như trong Ngọa hổ tàng long, Anh hùng hoặc Thập diện mai phục hẳn sẽ thất vọng.
Hệ thống nhân vật trong phim cũng dễ làm người xem rối trí: ai là vị công chúa đến vùng Ngụy Bác để kết hôn vì mục đích chính trị? Vị đạo sĩ bí ẩn kia là ai? Chưa kể đến người vợ ghen tuông, người thiếp đa tình của Điền Quý An, vị phù thủy râu bạc trắng, nữ sát thủ đeo mặt nạ vàng, người thợ làm gương…
Tất cả xuất hiện bất ngờ, chợt đến rồi chợt đi mà không báo trước, khiến người xem dễ hoang mang không hiểu vai trò của họ trong câu chuyện là gì. Bản thân nhân vật chính của bộ phim, nàng Ẩn Nương, cũng là một ẩn số. Cô rất ít lời, xuất hiện như một bóng ma, ra vào dinh thự như chốn không người.
Bản thân nhân vật chính của bộ phim, nàng Ẩn Nương, cũng là một ẩn số. Cô rất ít lời, xuất hiện như một bóng ma, ra vào dinh thự như chốn không người.
Ẩn Nương là một cái bóng lặng lẽ đến nỗi, tới giữa phim, không ít người sẽ tự hỏi rằng liệu cô có thực sự tồn tại, hay chỉ là một tự kỷ ám thị của nhân vật Điền Quý An.
Hầu Hiếu Hiền có cách khắc họa mối tình cảm âm thầm của Ẩn Nương khá tinh tế. Không có một cảnh gần gũi thân mật nào giữa nữ sát thủ và Điền Quý An.
Ẩn Nương chưa một lần thốt ra lời yêu thương, giãi bày, hay oán trách kẻ từng phụ tình mình. Nhưng cái cách cô dõi theo Quý An, lần lữa hết lần này đến lần khác không xuống tay, hé lộ một sự thật rằng Ẩn Nương mang trong lòng một mối tình lặng lẽ, dai dẳng trong suốt nhiều năm qua.
Thư Kỳ sở hữu khuôn mặt đa tình, lại thủ vai một nhân vật kiệm lời, lạnh như băng, ít biểu cảm. Sự đối lập ấy có lẽ giúp mỹ nhân thành công lột tả một sát thủ công phu tuyệt đỉnh nhưng lại có trái tim rất mực đàn bà, yếu mềm và giàu lòng trắc ẩn.
Bộ phim có những khung hình tuyệt đẹp: cảnh đồi núi hoang sơ, hồ bàng bạc sương khói, hoàng hôn tráng lệ. Ngoại cảnh kỳ vĩ, mê hoặc, còn cảnh nội thì hư hư thực thực như một giấc mơ.
Ở những trường đoạn diễn ra trong đêm, các nhà làm phim thường đặt các tấm rèm mỏng, bay phấp phới giữa ống kính và diễn viên. Gương mặt các nhân vật khi tỏ, khi mờ, khiến câu chuyện càng trở nên bảng lảng, khó nắm bắt.
Giống như một bài thơ Đường luật ý ngôn tại ngoại, nói ít hiểu nhiều, đạo diễn Hầu Hiếu Hiền lồng ghép nhiều chi tiết khiến khán giả phải suy ngẫm.
Tại sao Điền Quý An bước ra khỏi phòng, đi hết hành lang rồi đột ngột quay lại, dáo dác nhìn quanh? Bộ phim không trả lời nhưng khán giả có thể suy luận Quý An đã nhác thấy hoặc cảm nhận được sự hiện diện của một người lạ nào đó đang lẩn lút quanh đây.
Tại sao Ẩn Nương giao đấu với sát thủ bịt mặt, chưa ai đổ máu thì đã bỏ đi? Chiếc mặt nạ vàng bị cắt làm đôi trên cỏ tiết lộ cho người xem rằng trong trận đánh phân tài cao thấp ấy, sát thủ bịt mặt đã thua tâm phục khẩu phục nên tự rút lui.
Tại sao Điền Quý An nổi giận trước vợ cả nhưng lại không trừng phạt bà? Bởi vị phu nhân trước đó đã gọi tất cả các con nhỏ đứng bên cạnh mình như một lời nhắc nhở Quý An về bổn phận và trách nhiệm làm cha.
Nhiếp Ẩn Nương sở hữu vô số những chi tiết giàu ẩn ý như thế. Bộ phim chọn cách nói nửa chừng, để lại những khoảng trống cho khán giả tự điền vào.
Có thể nói Hầu Hiếu Hiền muốn “đặt cược” vào trình độ quan sát, suy luận và tưởng tượng của khán giả khi theo đuổi lối làm phim ấy. Xem xong Nhiếp Ẩn Nương, khán giả có thể hiểu tại sao ông giành giải Đạo diễn xuất sắc tại Cannes 2015, nhưng bộ phim thì chưa thể thắng giải Cành cọ vàng.
Có thể bạn quan tâm: Trailer bộ phim Thích khách nhiếp ẩn nương
[jwplayer player=”1″ mediaid=”73909″]
Theo Zing