John Wick đã vượt xa khỏi giới hạn của một tập phim điện ảnh mà đã trở thành một thương hiệu thực sự, một cái tên mà người ta sẽ phải chờ đợi trong nhiều năm tới.
Ê-kíp ‘John Wick’ bắt đầu triển khai kịch bản phần 3
Để vào vai John Wick, Keanu đã khổ luyện thế nào?
Chưa bao giờ làng điện ảnh bị thống trị bởi các series phim đến vậy. Chỗ đứng của phim lẻ đang dần bị uy hiếp, từ những tay sát thủ, điệp viên cho đến lính đánh thuê đều phải cố gắng tìm được con đường cho tập phim tiếp theo, bất kể cả việc phải làm điều đó một cách khiên cưỡng. 007 (Daniel Craig), Biệt đội đánh thuê, Điệp vụ bất khả thi, Jason Bourne, Quá nhanh quá nguy hiểm, Transformer, Cướp biển Caribean… những cái tên đó đều đi theo con đường phim điện ảnh dài tập. Kể cả bom tấn nửa mùa G.I Joe dù bị ném đá (lẫn tiền) không thương tiếc ở phần 2 và rồi im bặt đến nay, nhiều người vẫn nuôi hy vọng một lần nữa nhìn thấy Snake Eyes hay Road Block ở phần 3. Có thể nói, series phim đã trở thành xu hướng.
John Wick đi theo con đường đó, nhưng không phải để chạy theo xu thế. John Wick 2 là lời tuyên bố cạnh tranh thực sự, một thương hiệu đáng sợ như chính nhân vật sát thủ mà Keanu Revees thủ vai vậy.
Kể từ khi Jason Statham xuất hiện cùng Người vận chuyển lần đầu tiên vào năm 2002, có thể nói rất hiếm tựa phim nào, diễn viên nào có thể tái hiện hoặc làm tốt hơn phong cách đó. Đó là sự kết hợp mãn nhãn tuyệt đối giữa võ thuật thuần túy, vũ khí và những đường đạn. Thành Long là một huyền thoại trong việc kết hợp những màn đấu võ với các vật thể xung quanh, nhưng phim của ông không có mùi thuốc súng – thứ chưa bao giờ ngừng hot trên màn ảnh. Cũng trong năm 2002, phim Equilibrium dựng nên một tượng đài tương tự với những màn đọ súng “gun kata” của Christian Bale (vai John Preston), cũng đúng cái kiểu “võ thuật trong từng đường đạn”.
Rất lâu sau đó, võ thuật vẫn là yếu tố quan trọng trong nhiều tựa phim hành động, nhưng sự kết hợp mượt mà với tiếng súng đã không còn nữa. G.I Joe không làm được điều đó. Các dòng phim điệp viên như 007, Jason Bourne hay Điệp vụ bất khả thi cũng chỉ làm được hơn một nửa những gì John Wick làm được. Biệt đội đánh thuê thì khỏi nói – một hậu duệ thực sự của dòng phim Rambo với kiểu công thức quen thuộc: súng – cơ bắp – đạn, thật nhiều đạn.
https://www.youtube.com/watch?v=Iy7I_aLZgyI
John Wick trở thành hàng hiếm giữa bối cảnh đó, trở thành một tâm điểm thực sự về những màn trình diễn đậm chất cá nhân của nhân vật chính. Nói như vậy không có nghĩa là những tựa phim bom tấn ấy dở hơn John Wick. Chỉ là, những cái tên này cần dành nhiều thời lượng cho những yếu tố khác của phim, còn John Wick là sự dồn dập, tinh tế, hiểm hóc trong từng centimet chuyển động.
Một điều nữa: John Wick là một phong cách rất… ác, ác thực sự. Một kiểu hành động mà cái ác có sự pha trộn của khoa học, sự bài bản và thành thục cao độ. Bắn ngực trước (vô hiệu hóa đối thủ) rồi lạnh lùng găm thêm một viên đạn vào đầu, nó khiến người ta cảm tưởng John Wick chuyên nghiệp như một siêu điệp viên hơn là sát thủ. Đè shotgun vào ngực đối thủ rồi siết cò khoang đạn rỗng, không sao cả, cứ đè họng súng ở đó, lắp đạn và bắn tiếp lần nữa. Một kiểu diễn xuất khiến người ta thấy sợ, thấy rõ ràng một điều rằng ý định giết người của John Wick đanh thép đến mức nào.
Nhưng John Wick không bá đạo kiểu Biệt đội đánh thuê. John Wick cũng là con người, cũng mỏng manh và cũng “te tua” trong chính cơn điên loạn của mình. Tay sát thủ đẳng cấp này cũng trúng đạn (có giáp chống đạn, lẽ thường thôi), cũng bị một tên vô danh nào đấy húc rơi từ ban công xuống tầng dưới, cũng tơi tả và kiệt sức sau mỗi lần xông vào trận đấu súng. Hình tượng John Wick điên cuồng nhưng cũng từ từ rệu rã hoàn toàn đồng bộ với câu chuyện cuộc đời, tâm lý của nhân vật này và cũng giống luôn với đời thực của diễn viên Keanu Reeves. Trong thời đại mà Tom Cruise đu cửa máy bay hay Sylvester Stallone chạy lên 10 tầng thang bộ chỉ trong… vài giây, John Wick của Keanu Reeves lại thành một nhân vật rất thật, ác thật, giỏi thật, và cũng đáng thương thật.
Phần phim John Wick đầu tiên không thực sự là bom tấn nhưng đã để lại điểm nhấn ấn tượng. Phần phim tiếp theo làm nên tiếng vang thực sự khi chỉ tăng thêm 10 triệu đôla kinh phí nhưng đem về gần gấp đôi lợi nhuận, đẩy con số lên đến 168 triệu đôla. John Wick đầu tiên khép lại với một kết thúc mà đạo diễn hoàn toàn có thể buông bỏ tại đó, nhưng John Wick 2 lại là cái kết mà phần 3 bắt buộc phải được thực hiện để làm rõ nhiều thứ. John Wick chính thức thành một series, một phong cách phim đáng để chờ đợi trong thời đại mà sự chân thực của phim đang dần được quan tâm trở lại.
Y.N