Dù đã đi xa, nhưng hình ảnh và những cống hiến của Lý Tiểu Long cho võ thuật lẫn điện ảnh vẫn còn đọng mãi trong ký ức của bạn yêu điện ảnh.
Cùng Tuổi Trẻ Cười Online điểm lại những tác phẩm để đời của huyền thoại võ thuật này nhé!
Đường Sơn đại huynh
Nếu là một fan cứng của huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long thì chắc hẳn sẽ biết đến bộ phim đưa tên tuổi của ngôi sao võ thuật này lên một tầm cao mới này.
Đường Sơn đại huynh là bộ phim được đầu tư khủng vào thời điểm đó với số tiền lên đến 400.000 USD, được ra mắt vào năm 1971. Sau khi công chiếu, phim đã thu về 3,5 triệu USD. Một con số đáng mơ ước ở giai đoạn bấy giờ.
Đường Sơn đại huynh xoay quanh câu chuyện chàng thanh niên nhà quê Trịnh Triều An (Lý Tiểu Long) chân ướt chân ráo lên thành phố kiếm việc. Nhờ sự giúp đỡ của người chú, anh được nhận vào làm trong một xưởng làm đá cùng nhiều anh em khác.
Tuy nhiên, xưởng đá này lại là nơi làm ăn bất chính (vận chuyển lậu ma tuý). Sau khi biết anh là người giỏi võ nghệ, chủ xưởng đá dùng tiền bạc và phụ nữ để mua chuộc anh hòng biến anh thành tay sai cho chúng. Nhưng sau khi những người đồng hương bị giết vì phát hiện ra việc làm mờ ám của bọn chúng, anh đã nhanh chóng triệt phá được băng đảng này…
Sau này, Đường Sơn đại huynh cũng được làm lại và vai chính được giao cho Chân Tử Đan.
Tinh võ môn (Fist of Fury)
Sau thành công ngoài sức tưởng tượng của Đường Sơn đại huynh, nhà sản xuất Châu Văn Hoài tiếp tục cho ra mắt bộ phim Tinh võ môn do La Duy làm đạo diễn và viết kịch bản. Và lần này, Tinh võ môn do Lý Tiểu Long đóng chính cũng đã tiếp tục đại náo phòng vé với doanh thu 4,4 triệu USD dù trước đó Tinh võ môn không được quảng bá rầm rộ.
Ngoài ra, Tinh võ môn còn đã đoạt được giải thưởng Kim Mã 1972 và lọt vào top danh sách “10 tác phẩm kinh điển của điện ảnh Hong Kong”.
Tinh võ môn dựa theo câu chuyện có thật về một võ đường tại Trung Quốc trong thời kỳ bị Nhật chiếm đóng. Lý Tiểu Long thủ vai Trần Chân, đệ tử ưu tú nhất của võ đường, quyết định tự mình đột nhập vào sào huyệt của các võ sư Nhật để rửa thù cho sư phụ và rửa nhục cho Tinh võ môn.
Với thành công của Tinh võ môn 1972 do Lý Tiểu Long đóng chính, sau 27 năm bộ phim điện ảnh này đã được làm lại do Lý Liên Kiệt đảm nhận.
Mãnh long quá giang (The Way of The Dragon)
Mãnh long quá giang cũng là tác phẩm đi vào lịch sử màn bạc Hong Kong. Nếu như ở hai tác phẩm trước, Lý Tiểu Long chỉ đảm nhận vai chính thì đến dự án Mãnh long quá giang chính huyền thoại võ thuật thực hiện tất cả các vai trò chủ chốt trong phim như đạo diễn, sản xuất, kịch bản và diễn chính.
Mãnh long quá giang ra mắt vào cuối năm 1972. Câu chuyện xoay quanh nhân vật Đường Long (Lý Tiểu Long) đến tận nước Ý xa xôi để giúp đỡ một người bạn đang mở quán ăn. Tại đây, anh đã chặn đứng âm mưu muốn thôn tính tất cả các quán ăn của một ông trùm.
Cảnh quyết đấu cuối cùng giữa hai cao thủ Lý Tiểu Long với Chuck Norris – bảy lần vô địch Karate thế giới, lần đầu tiên đóng phim – tại đấu trường La Mã cổ đại Colosseum gây ấn tượng khó phai với toàn thể bạn yêu xi-nê trên toàn thế giới.
Long tranh hổ đấu (Enter the Dragon)
Long tranh hổ đấu (Enter the Dragon) là tác phẩm khẳng định vị thế của Lý Tiểu Long tại thị trường Hollywood. Phim được ra mắt vào tháng 8-1973 với vốn đầu tư khoảng 850.000 USD nhưng lại thu về 350 triệu USD.
Được biết, sau khi đóng xong Long tranh hổ đấu, Lý Tiểu Long đã sút cân gần 15kg. Dồn hết tâm huyết vào tác phẩm để giúp Long tranh hổ đấu đứng đầu tại Rạp hát Tàu của Graumann (Grauman’s Chinese Theatre) ở Los Angeles nhưng có điều đáng tiếc đến ông vẫn chưa được xem phim một lần tại địa điểm nổi tiếng này.
Long tranh hổ đấu là bộ phim được hợp tác giữa Hong Kong và Mỹ. Phim xoay quanh nhân vật Lý – đệ tử Thiếu Lâm được sư phụ giao cho nhiệm vụ đi trừng phạt kẻ phản bội sư môn (do diễn viên Thạch Kiên thủ vai).
Biết được chị gái của mình bị đệ tử của tay họ Hàn hại chết, với sự giúp sức của một tổ chức an ninh, Lý quyết định tham gia giải thi đấu võ nhằm đột nhập sào huyệt của bọn chúng trên một hòn đảo. Cùng đi với anh còn có hai người bạn Roper và William.
Tại sào huyệt của chúng, Lý vừa tham gia cuộc tỉ thí võ thuật vừa tìm cách đột nhập vào sào huyệt của lũ kẻ gian, với sự giúp đỡ của nữ gián điệp Mỹ Linh, anh đột nhập vào sào huyệt của bọn chúng. Lần thứ hai thì anh bị bắt, nhưng cùng với Roper họ đã diệt được băng đảng của họ Hàn.
Tử vong du hí (Game of Death)
Tử vong du hí được công chiếu vào năm 1978. Đây cũng là tác phẩm cuối cùng của huyền thoại võ thuật họ Lý. Khi đang quay Tử vong du hí thì Lý Tiểu Long qua đời. Cùng với sự ra đi đột ngột của Lý Tiểu Long, nhà sản xuất phải sửa lại kịch bản. Và hình ảnh Lý Tiểu Long chỉ xuất hiện ở cảnh đánh nhau trên lầu.
Tử vong du hí xoay quanh nhân vật Billy Lo (Lý Tiểu Long), một diễn viên nổi tiếng bị một tổ chức do Mr. Land cầm đầu đe dọa tống tiền. Vì chống lại chúng nên Billy Lo bị chúng âm mưu ám toán, nhưng không thành, anh chỉ bị thương nặng ở mặt.
Sau đó anh làm phẫu thuật mặt và tổ chức một đám tang giả nhằm đánh lừa tổ chức của Mr. Land để dễ bề đối phó. Vì là một diễn viên, anh cải trang để theo dõi chúng tại Macao, Billy đã giết chết cận vệ của Land là Carl (một cao thủ Karate) nhưng sau đó chúng biết anh còn sống và đã bắt Anna Young – bạn gái của Billy gây áp lực, nhưng cuối cùng từng tên trong băng đảng này cũng phải đền tội.
Tháp tử vong (Tower of Death)
Tháp tử vong là phần tiếp theo của bộ phim Tử vong du hí. Phim được sản xuất sau khi Lý Tiểu Long qua đời. Mặc dù ở dự án này Lý Tiểu Long không đóng, nhưng trong phim hình ảnh Lý Tiểu Long cũng xuất hiện khá nhiều.
Bởi, những cảnh có mặt của Lý Tiểu Long đều được lấy tư liệu từ những bộ phim trước đó của anh như Long hổ tranh đấu. Thậm chí, cảnh đám tang của nhân vật chính của Lý Tiểu Long đảm nhận trong phim cũng sử dụng hình ảnh từ đám tang thật của anh.
Bên cạnh những cảnh xuất hiện của Lý Tiểu Long ra thì những cảnh chính trong phim đều phải sử dụng diễn viên đóng thế cho Lý Tiểu Long.
Theo Thùy Minh (Tuổi Trẻ Cười)