(Vothuat.vn) – Từ xưa, Trà và Thiền vốn đã có mối liên kết mạnh mẽ với nhau. Thiền và Trà song hành với nhau giúp chúng sinh nhận ra những bài học hết sức giản dị, sâu sắc và tinh tế.
Bồ Ðề Ðạt Ma là cái tên vô cùng nổi tiếng với những ai đam mê võ thuật, đặc biệt là võ thuật cổ truyền Trung Quốc. Theo truyền thuyết, ông là người sáng lập võ phái Thiếu Lâm lừng danh và là tác giả của hai tuyệt học Dịch cân kinh và Tẩy tủy kinh. Với nhà Phật, ông ít được biết tới như là một võ thuật gia, mà là vị Tổ thứ 28, là người đã truyền bá Thiền Tông từ Thiên Trúc tới Ðông Thổ.
Phương pháp Thiền của ông có một nét đặc trưng, gói gọn trong câu nói “giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”. Nghĩa là sự thật được chư Phật trao truyền biết bao đời sẽ không tìm thấy được ở trong văn tự, nằm ngoài kinh sách. Các Tổ ngay ở nơi tâm học trò mà điểm thẳng một nhát, giúp họ thấy cái “Tánh” chân như rỗng rang kỳ diệu. Ngay khoảnh khắc ấy, họ hiểu thế nào là Phật tính, nên gọi “tâm truyền tâm” là vậy.
Chính vì phương pháp vô cùng kỳ diệu và mới mẻ như thể, phương tiện giúp học trò kiến tánh cũng muôn hình vạn trạng, tuỳ theo căn cơ thiền sinh mà biến hoá. Như với Nhị Tổ Huệ Khả không an được tâm, Bồ Ðề Ðạt Ma dạy, “tâm ông ở đâu, đem ra đây tôi an cho”. Nghe câu ấy, ngài Huệ Khả hoát nhiên đại ngộ. Hay như Ngũ Tổ Huệ Năng học được từ Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn một câu kinh Kim Cương mà bật ra cái thấy của chư Phật, “ưng vô sở trụ nhi sinh kì tâm”. Không trụ ở đâu cả thì cái tâm kỳ diệu ấy sẽ phát sinh.
Ðời sau thì có bốn món tuyệt chiêu nhà Thiền vang danh thiên hạ là bánh Vân Môn, trà Triệu Châu, gậy Ðức Sơn và hét Lâm Tế. Nghĩa là các ngài dùng bánh, dùng trà, dùng gậy (đánh) và la hét (đúng thời điểm), để khai thị cho học trò.
Trong mấy món ấy, hầu hết chỉ còn đọng lại là những câu truyện truyền thuyết, riêng món Trà Ðạo thì lại nở rộ khắp muôn nơi, đặc biệt là ở Nhật Bản và các quốc gia Ðông Á.
Trà và Thiền có một mối liên kết mạnh mẽ với nhau. Thi sĩ nổi tiếng Tô Ðông Pha, cũng là một cư sĩ tinh thông Phật Giáo đã ca tụng trà có tính chất tinh khiết và giống như một người có đức hạnh cao quý. Trà để lâu không bị hư hỏng, giống như những vị chân tu thuần khiết không bị thế gian làm bợn nhơ.
Thiền nhằm lột trần màn ảo giác của các tính chất nhị nguyên của cuộc sống. Mục đích tối hậu của Thiền là giúp thiền sinh thấy được sự bất khả phân giữa hiện tượng bên ngoài (cảnh) và thế giới bên trong (tâm), thấy được cái “vô vi” sâu thẳm mà Lão Tử gọi là Ðạo.
Cũng như vậy, sự hòa hợp, trang trọng, chỉnh chu và tĩnh lặng của trà thất, của trà chủ (người mời) và trà khách (người được mời) là một biểu tượng đẹp đẽ cho sự hợp nhất của tâm và cảnh này.
Khi thưởng trà, trà khách sau khi tiếp nhận li trà đã được pha trong chánh niệm tỉnh giác từ tay của trà chủ, sẽ để tâm vào hơi thở nhẹ nhàng thoải mái, nâng chén trà lên và uống trà hoàn toàn trong tĩnh lặng. Vị ấy sẽ chậm rãi nếm từng hương vị tinh tế của li trà, cảm nhận vị chát đắng nhẹ ban đầu tan biến đi, đọng lại hương thơm riêng của từng loại danh trà, và cuối cùng là cái hậu dịu ngọt đặc trưng.
Như vậy, một li trà nhỏ lại có khả năng tài tình dẫn dắt người uống đi đắng chát tới ngọt dịu chỉ trong một giây phút, khác nào một sát na đốn ngộ ngắn ngủi, chuyển hoá phàm tâm thiền giả thành Phật tâm của bậc giác ngộ.
Cũng khoảnh khắc ấy thể hiện mới rõ làm sao triết lý nhị nguyên của thế giới này, một mặt đắng, một mặt ngọt, hai mặt cùng song hành tồn tại. Ðắng không thể thiếu ngọt, và ngọt không thể tồn tại mà không có đắng. Và sau cả đắng và ngọt, chẳng còn lại một hương vị gì hết, chỉ còn một cái “không” hết sức uyên nguyên, giản dị, rỗng rang, tĩnh lặng.
Phải chăng vì những sự giống nhau đến tình cờ như thế mà nhà Phật gọi hữu duyên, thiền và trà song hành với nhau giúp chúng sinh nhận ra những bài học hết sức giản dị, sâu sắc và tinh tế.
NÓI ĐẾN TRÀ ĐẠO, NGƯỜI TA THƯỜNG LIÊN TƯỞNG NGAY ĐẾN THIỀN. MỐI LIÊN QUAN MẬT THIẾT GIỮA THIỀN VÀ TRÀ ĐẠO GẦN NHƯ KHÔNG CÒN KHOẢNG CÁCH ĐỂ PHÂN CHIA.
Theo Sài Gòn Thể Thao