(VoThuat.vn) – Nói đến những tuyệt kỹ võ thuật lưu truyền từ xưa tới nay, không thể không nhắc tới những công phu Nhất chỉ thiền, Thiết ngưu công, Châu sa chưởng…
- Giải mã kỹ thuật chiến đấu tự vệ của “Lý Tiểu Long Hàn Quốc” DK Yoo
- Hải Đăng Pháp Sư – Vị cao tăng bí ẩn minh chứng cho câu nói ‘Thiên hạ công phu xuất thiếu lâm’
Những công phu âm độc hàng đầu
Trong cuốn sách Phương pháp luyện ngạnh công và nhuyễn công của võ sư Hàng Thanh do nhà xuất bản Long An ấn hành năm 1990, Nhất chỉ thiền được liệt kê ở hàng đầu. Võ sư Hàng Thanh viết về nó: “Nhất chỉ thiền là loại công phu âm độc rất nguy hiểm, luyện cho toàn lực tụ lại nơi một ngón tay. Khi hành công, kình phát ra, ngón tay chưa tới mà đối thủ đã bị thương trí mạng rồi. Do đó người chân chánh hiền đức ít ai chịu tập công phu sát nhân này, dù vậy khi luận về sự lợi hại thì Nhất chỉ thiền cũng được xếp hàng đầu”.
Phương pháp luyện tập Nhất chỉ thiền không có gì bí mật thần kỳ. Tất cả gồm 3 giai đoạn có thể nhìn thấy rõ kết quả bằng mắt.
Đầu tiên dùng một quả chuông nặng từ 10 đến 20 kg như loại chuông cỡ vừa dùng trong chùa. Lấy sợi dây treo lên sao cho thân chuông ngang với tầm tay với. Mỗi ngày, vào lúc sáng tinh sương và khi đêm tối thanh vắng là hai thời điểm rất thuận lợi để luyện tập. Người tập đứng trước chuông lập tấn. Sau đó dùng ngón tay trỏ điểm tới chuông, các ngón khác co lại. Lưu ý là việc điểm ra không được căng cứng tay hay cố sức đẩy chuông mà chỉ đưa tới như con rắn mổ tới mà thôi.
Ban đầu, những cú điểm không làm xê dịch chuông nhưng cứ kiên trì rồi cũng làm được. Tập cho đến khi nào mà tay điểm chưa chạm tới chuông mà chuông đã rung thì coi như xong giai đoạn thứ nhất.
Giai đoạn hai phải làm một phòng kín để tập. Cuối phòng đặt một cái bàn. Đến giờ tập, người tập vào phòng, thắp một cây nến đặt lên bàn rồi đứng ra xa mà hướng vào ngọn nến vung tay điểm tới. Sau một thời gian luyện tập, hễ tay vung ra là nến tắt phụt. Lúc đó thắp lên độ 4 ngọn nến rồi lần lượt điểm tới. Mỗi lần điểm tới làm tắt một ngọn thì giai đoạn 2 đã thành công.
Cuối cùng dùng một cái chụp đèn bằng giấy chụp lên ngọn nến rồi cũng đứng xa tập điểm ngón tay hướng vào ngọn nến. Lúc đầu nến tắt mà giấy cũng rách. Kiên trì luyện tập để chỉ nến tắt mà giấy không rách. Thành công được việc đó thì thay chụp giấy bằng chụp thủy tinh rồi tiếp tục tập.
Cho đến khi nào làm tắt nến bên trong chụp thủy tinh mà thủy tinh không hề gì thì công phu đã đại thành. Mặc dù vậy cho đến nay cũng chưa thấy ai biểu diễn công phu Nhất chỉ thiền này. Đôi khi có báo chí đăng có người dùng ngón tay trỏ đâm xuyên gỗ, đá và gọi đó là Nhất dương chỉ theo tên trong tiểu thuyết võ hiệp. Nếu so kết quả đó với lý thuyết môn Nhất chỉ thiền này thì thành quả đó mới chỉ tương ứng với giai đoạn thứ nhất.
Cùng một dạng như Nhất chỉ thiền, người luyện thành môn Châu sa chưởng khi thành công không cần phải đụng chạm vào người, chỉ cần đưa tay tới hướng địch đánh gió. Địch thủ không tránh né để chạm phải chưởng phong thì trúng đòn chí tử. Theo võ sư Hàng Thanh, người bị trúng phải Châu sa chưởng, trong khoảng 10 ngày là chết mà không thể chữa trị.
Cách luyện môn này cũng gồm mấy bước. Trước hết dùng một chậu đựng đầy cát nhuyễn đã lọc kỹ. Mỗi ngày 2 lần đưa 2 tay bốc cát lên xoa cho tới khi nào hai bàn tay mỏi nhừ mới thôi. Qua vài năm luyện tập, đến một ngày hai bàn tay xoa vào nhau phía trên mặt chậu mà cát trong chậu động đậy dậy lên thì đã thành công một giai đoạn.
Tiếp theo thay loại cát to hơn và tiếp tục xoa cho đến khi cát to cũng cuộn lên thì được. Lại thay cát bằng mạt sắt và bi sắt nhỏ. Tới khi làm cho bi sắt cũng bị dậy lên mỗi lần xoa tay vào nhau thì công phu đại thành. Cũng như Nhất chỉ thiền, luyện môn công phu này phải mất hàng chục năm kiên trì luyện tập. Duy có điều, võ sư Hàng Thanh lưu ý là sau khi đã luyện thành thì bàn tay cũng chai cứng như sắt thép nên vô dụng, không thể làm được những việc khéo léo. Môn công phu này đến nay cũng chỉ còn lại danh tiếng, chưa có ai luyện thành.
Thiết ngưu công
Có lẽ đây là một trong số ít các môn tinh hoa võ thuật đời trước mà thời nay còn có một số người luyện thành công. Mục đích luyện môn này là khiến cho bụng cứng rắn để quyền cước đánh vào không đau, đao kiếm đâm chém không thủng.
Nói đến môn này thì không cần dẫn ra tới thế giới hay nước ngoài, ngay tại Việt Nam ta cũng đã có nhiều người làm được. Nổi tiếng có võ sư Hà Châu từng cho xe lu 18 tấn cán qua người, võ sư Hàng Thanh cho đủ các loại xe tải cán qua bụng mà không cần lót gỗ vào những năm trước giải phóng ở miền Nam.
Ở miền Bắc thì giới võ thuật vẫn truyền tai nhau về cố võ sư Trần Thúc Tiển ở môn phái Vĩnh Xuân quyền. Võ sư Tiển từng cho một vận động viên quyền anh đấm vào người hàng mấy trăm quả đến khi mệt không đấm được nữa thì thôi. Thời gian gần đây võ sư Nguyễn Ngọc Nội, một đệ tử của võ sư Tiển từng lên truyền hình cho khán giả xem ông đứng cho 3 học trò đấm hàng ngàn quả. Ba người thay nhau đấm đến khi mệt bở hơi tai mà ông vẫn điềm nhiên chuyện trò như không. Dĩ nhiên tác giả không biết được các võ sư nói trên luyện tập thế nào để đạt được trình độ ấy và tên gọi của công phu đó là gì. Tuy nhiên, cứ theo như kết quả được trình bày thì nó cũng tương tự như phép luyện Thiết ngưu công.
Kết quả mỹ mãn nhiều người ao ước vậy song việc luyện tập Thiết ngưu công dễ dàng trong tầm tay và không đòi hỏi nhiều dụng cụ khó khăn. Hàng ngày người tập tụ khí vào bụng rồi đấm nhẹ vài lần. Đấm xong thì thở khí ra và chà xát bằng lòng bàn tay. Mỗi lần tập tụ khí vài lần. Ngày qua ngày tăng dần độ mạnh cú đấm lên. Đến khi tự mình đấm mạnh hết sức mà không thấy đau thì lấy búa gỗ rồi búa đinh gõ vào.
Ban đầu cũng gõ nhẹ rồi mạnh dần. Cho đến khi tiếng gõ không còn bình bịch nữa mà nghe như tiếng sắt thép chạm nhau thì công lực đã thành tựu được 7, 8 phần rồi. Đến lúc này thì đêm ngủ đặt một tảng đá to lên bụng đến sáng hôm sau thức giấc mới bỏ xuống để luyện sức cầm cự lâu dài. Đến khi đặt khối đá lên bụng mà vẫn ngủ ngon thì công phu 10 phần đã thành công rồi đó. Lúc này dù có là người đấm hay binh khí đâm chém vào cũng không còn đáng sợ nữa.
Thiết tưởng phương pháp luyện thiết ngưu công trình bày ở trên hoàn toàn có cơ sở dễ hiểu. Cứ mỗi ngày tác dụng lực vào người thì lâu dần sức chịu đựng được nâng cao lên. Luyện tập vài năm thì hoàn toàn có thể có khả năng chịu đựng để người ta đấm đá vào mà không đau đớn.
Anh Thư (T.H)