Mèo là vật nuôi và là người bạn thân thiết trong gia đình nhiều dân tộc từ ngàn xưa. Ngày nay, may mắn sống trong những gia đình khá giả ở các thành phố lớn, mèo còn được chăm sóc y tế lúc đau bệnh và ở nhiều nước phương Tây còn có cả nghĩa địa riêng cho mèo. Bình thường, mèo đi nhẹ nhàng, ẻo lả, có vẻ như “lười biếng”, nhưng lúc “hữu sự” thì rất nhanh lẹ, dũng mãnh…
Võ sư Hà Túc Ly biểu diễn thế Trảo miêu công thượng – Ảnh: Đình Chương
Nguồn gốc chú miêu
Theo các nhà khoa học, tổ tiên loài mèo (miêu) có mặt trên trái đất từ khoảng 70 triệu năm trước. Trong tập san đặt tên động vật, có đến 17 tên riêng dành cho các loài mèo hoang (felis silvestris) và mèo được thuần hóa (felis catus). Tổ tiên gần nhất trước khi được thuần hóa là mèo thảo nguyên xuất hiện cách đây khoảng 8-9 ngàn năm ở vùng đồng cỏ hoặc rừng vùng Ảrập, châu Phi. Sau đó, người Ai Cập cổ đại mang về nuôi ở thung lũng sông Nil rồi lan ra vùng Tiểu Á và Capcase. Về đặc điểm thể chất, có thể nói mèo là vận động viên điền kinh. Nó chạy nước rút rất giỏi, có thể đạt tới tốc độ khoảng trên 48km/giờ ở những khoảng cách ngắn. Mèo cũng có thể nhảy cao tới đỉnh rào hay một bức tường cao trên 2m trong tư thế đứng yên. Trước khi nhảy hay phóng tới trước, mèo luôn co người lại trong tư thế chuẩn bị rất hoàn hảo nên nhiều nhà nghiên cứu thể thao đã ghi hình các động tác mèo phóng, nhảy tới trước rồi quay chậm lại để nghiên cứu và hướng dẫn các VĐV nhảy xa, chạy bộ tập luyện…
Không chỉ được giới điền kinh “học tập”, mèo còn được giới võ thuật rất quan tâm. Từ sự nhanh lẹ, uyển chuyển đến các tư thế lúc nhảy xa, rình mồi, vồ chụp, cào… của mèo, người ta đã sáng tác ra các thế võ, thậm chí có một số võ phái còn ghép tên chú miêu vào tên gọi bản môn.
Chú miêu trong võ thuật
1. Trong làng võ Trung Quốc và võ cổ truyền Việt Nam, chúng ta có thể bắt gặp một vài võ phái ghép chú miêu vào danh xung của môn phái mình. Chẳng hạn như ở Trung Quốc có môn phái Tam Miêu Thủ hoặc Thiếu Lâm Bạch Miêu phái, Thiếu Lâm Hắc Miêu phái ở Việt Nam.
Theo một số tài liệu, năm 1820, nhiều quan lại triều đình Trung Quốc bị thất thủ chạy lạc đến huyện Triều Châu. Họ vào ngôi miếu tên “Tứ linh miêu”. Trong miếu có bàn thờ Đạt Ma sư tổ và bốn chú mèo ở dưới đế chân viền: Bạch miêu, Hoàng miêu, Hắc miêu, Tam thể. Họ lấy tên Bạch Miêu đặt cho môn phái mình và xin xăm để cầu chứng. Sự việc được như ý và môn phái Thiếu Lâm Bạch Miêu phái ra đời từ đó. Đầu thế kỷ 20, một số võ sư trẻ di dân sang Việt Nam, lúc đầu họ dạy ở Huế rồi lan dần xuống khu vực Đà Nẵng, Hội An. Chưởng môn của võ phái này hiện nay là võ sư Hoàng Bá Dũng (còn gọi là thầy Biện) sinh năm 1945 quê quán tại phường Hoà Xuân, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Là môn phái mang danh bạch miêu nên các bài quyền tay không và vũ khí đếu lấy điệu bộ đặc trưng của loài mèo, trong đó có 3 bài quyền tay không là Thập bát quyền, Miêu quyền, Bạch miêu quyền. Võ sinh Thiếu Lâm Bạch miêu còn phải học trèo cây cho giỏi cùng các thủ pháp kim miêu pháp, quyền, phách, miêu trảo công, phi minh công, đằng vân, thủy công miêu, miêu vờn xà…
Kỹ thuật: Trảo miêu công hạ
Thiếu Lâm Hắc Miêu phái có nguồn gốc từ Quảng Châu, Trung Quốc do Đức Sơn thiền sư sáng lập. Tại Việt Nam có thầy Bạch Long Sơn ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh lĩnh hội môn võ này. Sau đó thầy dạy ở chợ An Đông, Q.5, TPHCM. Vào thời kỳ đó thầy chỉ huấn luyện cho 2 đệ tử là Hải Vân Sơn (Nguyễn Văn Hải) và Hải Vân Thủy (sư muội, bị mất liên lạc, nay đang tìm tin tức). Hiện nay, võ sư Nguyễn Văn Hải (Đại đức Thích Minh Thắng) – tu tại chùa Hải Vân Sơn, Hòa Khánh, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng và dạy môn võ này tại đây. Bên cạnh trường côn, đoản côn là võ khí chính, võ phái Bạch miêu có 5 bài quyền tiêu biểu về mèo (mỗi bài khoảng 45, 60 thức, trong đó nhãn pháp chế ngự mọi hoạt động): Hắc miêu sơn, Miêu hoa quyền (dành cho nữ), Trường đoản miêu sơn, Miêu tẩy diện, Miêu phốc ly sơn.
2. Nhiều môn phái khác cũng có những bài quyền hoặc đòn thế dựa trên tư thế uyền chuyển, nhanh lẹ và một số động tác của chú miêu. Đó là các bài Miêu tẩy diện (Mèo rửa mặt) của Bình Định An Thái của cụ Diệp Trường Phát còn gọi là Tàu Sáu, bài Linh miêu quyền dành cho các môn sinh cao đẳng của môn phái Tâm Quyền Đạo ở Kiên Giang. Một số tài liệu khác còn nhắc đến thế tấn Neko ashi dachi (tấn chân mèo) trong môn Karatedo, thế Miêu nhi tẩy diện thuộc Hổ quyền của Lâm Thế Vinh…
Ông nội của võ sư Lý Xuân Hỷ (An Nhơn, Bình Định) từng sáng tác bài quyền Miêu tẩy diện – mô phỏng theo thế đánh nhu nhuyễn, nhanh lẹ, linh hoạt của mèo và ông Hỷ dùng các thế trong bài để né tránh rồi nhanh nhẹn phản công bằng chỏ. Võ sư Xuân Hỷ cho biết: “Học thuộc bài võ này chỉ mất khoảng 2 ngày nhưng để đánh cho ra “bộ”, người có năng khiếu phải luyện tập cả tháng. Khó nhất là thân pháp, tập đến khi nào tới lui uyển chuyển, mặt lắc theo bộ đồng điệu thì mới đạt yêu cầu”.
Theo võ sư Chưởng môn Hà Túc Ly, Thiếu Lâm Hòa Vang phái của ông đang phát triển ở khu vực Đà Nẵng có bài Miêu công quyền dành cho các võ sinh đã tập luyện trên 1 năm rưỡi. Bài quyền này có 36 thức, thi triển chỉ trong 1 phút, nhưng nó mang tính cương nhu phối triển với đủ các bộ tràn, hoành, hụp, lặn, lách, bổ, bung….thể hiện đủ các điệu bộ của con mèo cùng với thủ pháp 5 ngón trảo để xuất chiêu.
Tham khảo: Video về Võ Mèo do VTV9 thực hiện.
3. Tại TPHCM hiện nay vẫn còn lưu truyền bài Miêu tẩy diện của cố thiền sư Đoàn Tâm Ảnh (1900-2008). Võ sư Nguyễn Thanh Sơn (Chủ tịch Hội đồng võ sư Trung Sơn võ đạo) kể lại: “Khoảng năm 1990, thiền sư Đoàn Tâm Ảnh đã đến ngụ ở nhà tôi ở Thủ Đức một thời gian. Tại đây, ông đã dạy hệ thống bài Địa chi quyền của Thông Thiên giáo chủ cho một số võ sư và thanh niên. Hệ thống Địa chi quyền có 12 bài theo 12 con giáp: Hoa hồ điêu, Thần ngưu chuyển giác, Hắc hổ ẩn nham, Miêu tẩy diện, Lưỡng long tranh châu, Xà trảm thạch, Mã song đao, Dương hồi sơn, Hầu thực quả, Kê xuất noãn, Cẩu cuồng phong và Trư ngộ hỏa. Mỗi bài có từ 5 đến 6 thế. Bài Miêu tẩy diện khai thác hình ảnh chú miêu “rửa mặt” bằng cách lấy bàn chân trước vuốt mắt khi thức dậy và có 5 thế: Miêu tẩy mục, Di thân bán hạ, Miêu sát thử, Bạch vượn thu đào và Đồng tước song phi”.
LÊ HỒNG (sưu tầm và tổng hợp)
Gogen Yamaguchi sinh năm 1907 tại Kyusyu thuộc hạt Miyataki Ken, thuộc dòng dõi samurai chính tông. Từ nhỏ, ông đã làm quen và luyên tập nhiều môn võ, trong đó có judo. Năm 20 tuổi, ông theo gia đình về sống ở Kyoto bắt đầu làm quen với Karate Goju của võ sư Chojun Miyagi, người gốc Okinawa. Sự tổng hợp hai yếu tố cương-nhu đã mang lại cho Karate Goju những đòn đánh uyển chuyển, nhịp nhàng và bay bướm nhưng ra đòn nhanh như chớp. Tại Nhật, người ta thường nhắc đến một biệt danh của Gogen Yamaguchi là “Người mèo” Không thủ đạo. Không ai biết rõ xuất xứ của biệt danh này mà chỉ phỏng đoán là do những toán lính Mỹ chiếm đóng tại Nhật đặt cho ông. Họ đã nhiều lần kinh hoàng khi ông đột ngột xuất hiện ngay sau lưng mà mình không hề hay biết, bởi lẽ ông đi đứng nhẹ nhàng như một con mèo. Cũng có người lập luận rằng biệt danh ”Người mèo” rất thích hợp để diễn tả những động tác mềm dẻo, uyển chuyển của môn phái Karate Goju mà Gogen Yamaguchi chính là Trưởng môn.